Bình minh mới của “xứ sở sương mù”

Nước Anh đang chìm trong khó khăn bởi tác động tiêu cực của việc Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, cùng những thách thức kinh tế từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những cơ hội mới về kinh tế, thương mại vẫn rộng mở với “xứ sở sương mù” khi London đang tích cực khởi động và đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) với một loạt đối tác lớn.

Biếm họa của LARY BARKER
Biếm họa của LARY BARKER

Anh và Australia vừa khởi động các cuộc đàm phán chính thức nhằm tiến tới một thỏa thuận thương mại tự do song phương, với hy vọng sẽ nhanh chóng đạt được một thỏa thuận “táo bạo và tham vọng” vào dịp Giáng sinh 2020. Về phía “xứ sở chuột túi”, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham đánh giá các cuộc đàm phán ước tính sẽ đem lại thêm hàng trăm triệu USD xuất khẩu cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp và giới doanh nghiệp nước này. Tài liệu từ Chính phủ Anh cho thấy, một thỏa thuận thương mại với Australia có thể mang lại 0,02% GDP cho Anh, tương đương 500 triệu bảng Anh.

Cùng việc khởi động đàm phán FTA với Australia, Anh đang tích cực đàm phán một loạt FTA song phương khác với New Zealand, Nhật Bản, Mỹ... Bộ Thương mại Anh ước tính xuất khẩu của nước này có thể tăng thêm 1 tỷ bảng Anh nếu đạt được thỏa thuận thương mại với Australia và New Zealand.

Trước khi khởi động đàm phán FTA với Australia, Anh và Nhật Bản đã chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán về FTA song phương trong một hội nghị trực tuyến. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cam kết xây dựng một FTA dựa trên thỏa thuận thương mại tự do hiện có giữa Nhật Bản và EU, trong đó Tokyo muốn loại bỏ thuế ô-tô, trong khi Anh muốn mang lại lợi ích cho các dịch vụ tài chính và ngành dệt may của nước này. Hai nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn cao về thương mại kỹ thuật số cũng như cố gắng thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.

Trong khi đó, trong một bài phát biểu đưa ra tầm nhìn về nước Anh giai đoạn “hậu Brexit”, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo kế hoạch hoàn thành các thỏa thuận thương mại “chóng vánh” với cả hai đồng minh quan trọng nhất là Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố một thỏa thuận thương mại thực chất có thể tăng từ ba đến năm lần trao đổi thương mại hiện tại giữa Anh và Mỹ. Các quan chức Anh thì đưa ra đánh giá thận trọng hơn về những lợi ích tiềm năng của thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ “hậu Brexit”, theo đó về lâu dài có thể giúp kinh tế Anh tăng trưởng thêm khoảng 0,2%.

Ngoài ra, Chính phủ Anh vừa tiết lộ London có ý định tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Từ tháng 7-2018, Anh đã bắt đầu trao đổi với 11 nước thành viên CPTPP ở cấp bộ nhằm tìm hiểu quy chế thành viên, hướng tới mục tiêu “có chỗ đứng trung tâm trong mạng lưới thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế năng động”. Nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết, tất cả các nước thành viên hiện nay của CPTPP “đều hoan nghênh Anh gia nhập”.

Anh đang tiến hành đàm phán thương mại với các quốc gia ngoài EU song song các cuộc đàm phán thương mại với EU, đối tác lớn nhất của nước này sau Brexit. Anh và EU hiện vẫn chưa đạt tiến triển đáng kể sau bốn vòng đàm phán, trong khi thời gian đàm phán chỉ còn lại chưa đầy sáu tháng và nhiều thách thức đang đặt ra cho nước này từ Brexit. Tuy nhiên, những khó khăn hiện nay vẫn không thể làm lu mờ cơ hội thương mại lớn mà London có được từ những FTA, sau khi họ bắt tay với các đối tác lớn để mở ra một “trang sử mới” cho kinh tế Anh thời kỳ hậu Brexit.

Còn nhớ, hồi đầu năm nay, chỉ một giờ trước thời điểm nước Anh ra khỏi EU, Thủ tướng Boris Johnson đã có bài phát biểu trên truyền hình kêu gọi người dân hướng đến tương lai, không nhìn lại quá khứ, khi nói rằng “đây không phải là sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu, một khoảnh khắc của đổi mới và thay đổi đất nước thực sự”. Nhìn vào những cơ hội mà Anh có được từ các FTA đang đàm phán hiện nay, có thể thấy ông Boris Johnson đã có lý khi tin tưởng rằng Brexit mở ra “bình minh mới” cho nước Anh.