Bất đồng lợi ích

Bất ổn và xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 10 và hiện quốc gia Tây Á này vẫn đang ngổn ngang với bài toán tái thiết và khôi phục an ninh. Sự bất đồng về lợi ích liên quan tình hình Syria đang khiến các nỗ lực mang lại một giải pháp chính trị rơi vào bế tắc.

Biếm họa của PARESH NATH
Biếm họa của PARESH NATH

Ngày 28-5, các Bộ trưởng Ngoại giao Liên hiệp châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ của Tổng thống Syria, ông Basha al-Assad. EU đã áp đặt cấm vận đối với Chính phủ Syria từ năm 2011 và tiến hành gia hạn hằng năm. Các lệnh trừng phạt bao gồm cấm vận dầu mỏ, hạn chế một số đầu tư, đóng băng các tài sản của ngân hàng trung ương Syria do EU nắm giữ, hạn chế xuất khẩu thiết bị và công nghệ lưỡng dụng, cũng như thiết bị và công nghệ giám sát, hay ngăn chặn liên lạc qua internet và điện thoại. Danh sách cấm vận gồm 255 cá nhân và 67 tổ chức.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Syria đã ra tuyên bố chỉ trích quyết định trên của EU, cho rằng động thái này là sự ủng hộ đối với “các nhóm khủng bố” tại Syria. Tuyên bố nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt của EU “không công bằng”, trực tiếp ảnh hưởng tới người dân Syria và cuộc sống của họ, cũng như khả năng của hệ thống y tế Syria trong nỗ lực chống đại dịch Covid-19.

Trái với động thái cứng rắn của EU, đồng minh quan trọng của Syria là Nga vẫn đang củng cố mối quan hệ với Damas trong nỗ lực bảo đảm an ninh. Hôm 30-5 vừa qua, Tổng thống Nga V.Putin đã ký quyết định giao cho Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga thực hiện đàm phán với Chính phủ Syria về việc mở rộng căn cứ quân sự của Nga ở quốc gia Trung Đông này, với mục tiêu chống khủng bố. Theo quyết định trên, các cơ quan quốc phòng và ngoại giao của Nga sẽ đàm phán với phía đối tác Syria về việc chuyển giao thêm cho quân đội Nga sử dụng các tài sản là bất động sản và vùng nước trong khuôn khổ thỏa thuận về triển khai nhóm không quân Nga tại Syria, được ký ngày 26-8-2015.

Trước đó, Tổng thống Putin cũng ký quyết định bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga tại Damas, ông A.Efimov, làm Đại diện đặc biệt của tổng thống về phát triển quan hệ với Syria. Đại sứ Efimov mới nhận nhiệm sở tại Damas từ tháng 1-2020. Hợp tác quân sự, quốc phòng giữa Nga và Syria được đẩy mạnh kể từ khi Moscow tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào năm 2015.

Từ tháng 1-2017, Nga và Syria ký kết thỏa thuận triển khai nhóm không quân thuộc Lực lượng Không quân vũ trụ Nga tại căn cứ Khmeimim trong vòng 49 năm. Theo văn kiện này, Syria sẽ chuyển giao các khu đất ở sân bay và các chủ thể bất động sản trong khu vực này cho phía Nga sử dụng. Ngoài ra, thỏa thuận cũng xem xét việc hiện diện của các tàu chiến Nga, bao gồm các tàu có trang bị tổ hợp hạt nhân tại khu vực cảng quân sự Tartus của Syria. Cơ sở hạ tầng của căn cứ này được chuyển giao miễn phí cho phía Nga sử dụng.

Như vậy, phương Tây và Nga đang thể hiện hai lập trường trái ngược về vấn đề Syria. Trong khi EU trừng phạt chính quyền Syria với những lý do như sử dụng vũ khí hóa học, đàn áp dân thường…, vốn luôn bị Damas cực lực phản đối, thì Nga lại muốn hợp tác sâu hơn với Syria để bảo đảm các cam kết chống khủng bố được duy trì, qua đó góp phần củng cố hòa bình ở khu vực.

Theo nhận định của giới quan sát, các lệnh cấm vận và trừng phạt do phương Tây áp đặt khiến quốc gia Tây Á đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử, khi có tới hàng triệu người mất nơi cư trú và phải tị nạn tại chính các quốc gia châu Âu. Ngày 19-5 vừa qua, một số nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp cấm vận đơn phương có thể làm giảm khả năng ứng phó dịch Covid-19 của Syria.

Sau một thập kỷ xung đột, đến nay Syria vẫn là “điểm nóng” bất ổn của thế giới. Trong bối cảnh vẫn còn các cuộc đụng độ tại tây bắc Syria, cùng việc gia tăng hoạt động của một số nhóm khủng bố và những quan ngại về sự lây lan của Covid-19, hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế cần bày tỏ sự thống nhất trong ủng hộ giải pháp chính trị cũng như trong hỗ trợ người dân Syria vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.