Áp lực hạn chót

Những ngày qua, giới chức Mỹ liên tiếp tuyên bố Nhà trắng chưa quyết định về tương lai số binh sĩ Mỹ còn đồn trú tại Afghanistan, cũng như chưa đưa ra các cam kết quân sự mới. Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Washington chịu áp lực lớn, khi thời hạn rút quân đến rất gần, mà tại quốc gia Nam Á tình trạng bạo lực chưa giảm và đàm phán vẫn bế tắc. 

Biếm họa của JACK OHMAN
Biếm họa của JACK OHMAN

Trong tuyên bố mới nhất hôm 9-3, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menedez cho biết, hạn chót để Mỹ rút quân đội khỏi Afghanistan ngày 1-5 tới có thể được xem xét lại. Lý do là lực lượng Taliban không thực hiện cam kết theo thỏa thuận hòa bình ký với Mỹ năm 2020. Thượng nghị sĩ Mỹ nhấn mạnh, tiến trình hòa bình tại Afghanistan bế tắc, Taliban rõ ràng không tuân thủ mọi cam kết mà lực lượng này đưa ra; Mỹ chắc chắn quyết định lại thời hạn rút quân một khi xác nhận Taliban không đáp ứng các yêu cầu theo thỏa thuận.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn để ngỏ quyết định liên quan 2.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan, cũng như chưa đưa ra bất cứ cam kết quân sự nào cho giai đoạn sau ngày 1-5 tới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng, còn quá sớm để đánh giá về cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan, song Mỹ tin đây là thời điểm có thể đạt tiến triển, đồng thời khuyến khích các bên tiếp tục đối thoại trên tinh thần xây dựng.

Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi truyền thông tiết lộ nội dung thư của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken gửi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, trong đó đề xuất giải pháp giảm bạo lực và thúc đẩy đàm phán giữa chính quyền Kabul và Taliban. Trong thư, ông Blinken kêu gọi các bên tại Afghanistan giảm bạo lực trong 90 ngày và hưởng ứng nỗ lực hòa bình mới do LHQ chủ trì. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đang cân nhắc rút toàn bộ lực lượng về nước vào ngày 1-5 tới, cùng một loạt biện pháp khác, đồng thời cảnh báo tình hình an ninh sẽ xấu đi và Taliban có thể nhanh chóng trở lại chiếm đóng các vùng lãnh thổ tại Afghanistan.

Washington khẳng định đang theo đuổi các nỗ lực ngoại giao đa phương nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn toàn diện và bền vững tại Afghanistan. Theo đó, Mỹ sẽ đề nghị LHQ triệu tập cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao với sự tham gia của các đại diện Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ và Iran để thảo luận về cách tiếp cận thống nhất nhằm hỗ trợ tiến trình hòa bình tại Afghanistan. Mỹ cũng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ đăng cai một hội nghị cấp cao về hòa bình Afghanistan trong vài tuần tới. 

Trong khi đó, các cuộc đàm phán nội bộ Afghnistan đình trệ, bất chấp nỗ lực của chính quyền Kabul. Nhằm thúc đẩy hòa đàm với Taliban, hôm 6-3, Tổng thống Ghani tuyên bố chính phủ sẵn sàng thảo luận về tổ chức bầu cử và khẳng định tôn trọng tiến trình dân chủ. Ông Ghani cũng gặp và thảo luận với đặc phái viên Mỹ nhằm thúc đẩy nối lại hòa đàm với Taliban. Tuy nhiên, về đề xuất trong thư của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Ghani khẳng định Mỹ không thể đưa ra quyết định thay cho người dân Afghanistan.

Áp lực với Washington càng lớn khi lực lượng Taliban hối thúc Mỹ thực thi cam kết rút quân. Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban đạt được năm ngoái, Mỹ cam kết rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan trước ngày 1-5-2021, đổi lại Taliban chấm dứt hành động bạo lực và tiến hành đàm phán với chính quyền Kabul nhằm đạt được hòa bình toàn diện và bền vững. Tuy nhiên, Mỹ hiện rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi hạn chót rút quân đang đến rất gần và bạo lực không “hạ nhiệt” tại Afghanistan. Các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng khuyến cáo Mỹ không thực hiện rút quân ồ ạt, tránh tạo “khoảng trống an ninh”, khi tiến trình hòa đàm của Afghanistan chưa đi vào quỹ đạo ổn định.

Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Joe Biden  khởi động xem xét lại một loạt chính sách của chính quyền tiền nhiệm, trong đó có thỏa thuận ký với lực lượng Taliban. Hiện, Nhà trắng muốn có thêm thời gian để đánh giá tình hình tại Afghanistan, cũng như xem xét lại bản thỏa thuận.