Xu hướng ăn chay tại nhiều nước

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại các nước phát triển, nhiều người đã giảm ăn thịt và chuyển sang ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Xu hướng ăn chay ngày càng được nhiều người ưa chuộng bởi những lợi ích mà nó mang lại.

Một cửa hàng bán đồ chay tại Mỹ. Ảnh: VEGAN BITS
Một cửa hàng bán đồ chay tại Mỹ. Ảnh: VEGAN BITS

Theo Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp LHQ (FAO), tiêu thụ thịt trên thế giới tăng liên tục với gần 3%/năm kể từ năm 1960, chủ yếu là do người dân ở các nước nghèo mua thịt nhiều hơn khi cuộc sống của họ được cải thiện và xu hướng này vẫn tiếp tục tăng. Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, trung bình một người Trung Quốc ăn 14 kg thịt/năm, nay sử dụng 55 kg/năm. Tiêu thụ thịt ở các nước giàu đã tăng 0,7% kể từ năm 1991. Tuy nhiên theo FAO, tiêu thụ thịt trên thế giới hiện không tăng nhanh như trước, bởi xu hướng ăn chay đang được nhiều người ưa chuộng vì nó giúp cải thiện sức khỏe, làm giảm sự hủy hoại môi trường và tạo ra nhiều thực phẩm hơn cho người nghèo ở các nước đang phát triển.

Số liệu thăm dò của LHQ cho thấy, số người ăn chay hoàn toàn là khoảng 10% ở châu Âu và con số này đang tăng. Kết quả thăm dò dư luận do một tổ chức cổ động ăn chay ở Anh tiến hành năm 2016 cho thấy, khoảng 1,05% người dân Anh không bao giờ ăn thịt hoặc các sản phẩm từ động vật, cao hơn nhiều so kết quả thăm dò năm 2007. Tại Mỹ, nhóm nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, năm 2017 có 3% dân số là người ăn chay hoàn toàn và 6% là những người không ăn thịt vì lý do nhân đạo, tôn giáo hoặc sức khỏe, chỉ ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, trứng hoặc các sản phẩm từ sữa. Hai tổ chức thăm dò lớn nhất của Mỹ là Gallup và Harris cho biết, trong giai đoạn 2012-2018, có 3% số dân nước này tự nhận là người ăn chay hoàn toàn.

Xu hướng ăn chay cũng được giới trẻ ở nhiều nước ưa chuộng. Công ty nghiên cứu thị trường Mintel tại Đức cho biết, khoảng 15% người ở lứa tuổi từ 16 - 24 là người ăn chay kiêng. Còn theo số liệu từ hãng thực phẩm Nestle, nhiều người trở thành người ăn chay do lo ngại thịt ảnh hưởng sức khỏe, bảo vệ môi trường và muốn bảo vệ động vật. Số người ăn chay tăng khiến số lượng các quán ăn chay tăng theo. Tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan có gần 50 quán ăn cho người ăn chay hoàn toàn. Khoảng 60% người Ba Lan cho biết họ có kế hoạch giảm ăn thịt từ năm 2018.

Những người nổi tiếng từng ăn chay như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Phó Tổng thống Al Gore; hai chị em vận động viên tennis Serena và Venus Williams, võ sĩ quyền anh Mike Tyson và nữ ca sĩ Beyonce cũng “truyền cảm hứng” cho nhiều người hâm mộ về thói quen ăn chay.

Theo AP, tính đến tháng 6 năm nay, số thực phẩm nguồn gốc thực vật (thực phẩm không có thịt, trứng hoặc sữa) bán ra tại Mỹ tăng 20%. Hãng McDonald’s đang bán bánh mì kẹp đồ ăn chay mang tên “McVegan” ở bán đảo Scandinavia (gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan). Trong khi đó, các quán ăn ở Mỹ cũng thu hút người ăn chay với những chiếc bánh mì kẹp đậu nành tưới nước sốt ép từ củ cải đường. Còn tại Anh, mạng lưới tạp phẩm Waitrose đã giới thiệu một loạt thực phẩm ăn chay hoàn toàn trong năm 2017.

Năm 2016, cựu Chủ tịch tập đoàn Google, ông Eric Schmidt từng kêu gọi thay thế thịt bằng thực phẩm thực vật, với lý do thực phẩm thực vật sẽ cải thiện sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và là nguồn cung cấp thực phẩm từ thịt cho những nước nghèo. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn nhiều thịt đỏ đối mặt tỷ lệ tử vong cao hơn và ăn nhiều thịt chế biến dễ mắc bệnh ung thư trực tràng. Năm 2016, một nghiên cứu do GS Marco Springmann và đồng nghiệp tại Trường đại học Oxford cho biết, bước quá độ chuyển sang chế độ ăn chay hoàn toàn sẽ giúp giảm hàng triệu người tử vong/năm.

Theo các nhà nghiên cứu, việc ăn chay hoàn toàn và ăn chay kiêng còn góp phần cải thiện môi trường bởi phát triển thực phẩm thực vật cần đất ít hơn so nuôi động vật lấy thịt. Theo FAO, nuôi động vật lấy thịt mất khoảng 80% diện tích đất nông nghiệp và các trang trại gia súc sản sinh hai phần ba khí thải gây hiệu ứng nhà kính.