Văn hóa Banya của Nga

Từ lâu, hoạt động tắm hơi đã phát triển thành một trong những phương pháp chăm sóc sức khỏe phổ biến trên thế giới. Tắm hơi (còn được gọi là “banya”) đã trở thành hoạt động truyền thống vừa có ý nghĩa gắn kết cộng đồng vừa góp phần nâng cao sức khỏe.

Một phòng tắm banya truyền thống của Nga. Ảnh: WORLD NEWS
Một phòng tắm banya truyền thống của Nga. Ảnh: WORLD NEWS

Từ “banya” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là “làm sạch cơ thể với sự trợ giúp của hơi nước”. Theo ông Ethan Pollock, giảng viên ngành Lịch sử tại Đại học Brown (Mỹ), tác giả của cuốn sách tiếng Anh duy nhất về nguồn gốc banya cho rằng, trong một cuốn sách của mình, nhà văn Hy Lạp cổ đại Herodotus từng mô tả những người ở phía bắc Biển Đen đã xuất hiện hình thức tắm hơi. Trong suốt lịch sử nước Nga, banya cũng thường xuất hiện trong bài hát, tục ngữ, cách ngôn, thơ và các tác phẩm nghệ thuật. Tới thế kỷ 17, banya phát triển rất mạnh trong giai đoạn trị vì của Peter Đại đế. Khi thành lập thành phố St.Petersburg vào năm 1703, nhà vua cho phép người dân xây dựng các nhà tắm công cộng banya mà không phải đóng thuế. 

Banya được coi là truyền thống văn hóa đem lại lối sống lành mạnh. Năm 1733, chính quyền Nga đã ban hành một lệnh đặc biệt cho phép xây dựng lượng lớn phòng tắm hơi banya để chữa bệnh trên cả nước. Khác với nhiều nơi trên thế giới, các chủ sở hữu banya phải giữ giá vé thấp để phục vụ nhu cầu của mọi tầng lớp người dân. Các phòng tắm banya thường được chia thành hai loại, gồm phòng tắm banya công cộng và tư nhân. Đối với những người sống trong các khu chung cư, phòng tắm banya công cộng là một trong những nơi chăm sóc sức khỏe rẻ tiền nhưng hiệu quả. Đối với những người có nhà riêng hoặc sống trong nhà gỗ ở các khu vực xa xôi, việc xây dựng nhà tắm banya trở nên thiết yếu không kém các nhu cầu khác. Các nhà tắm banya của Nga thường chia thành những khu vực như phòng xông hơi, các công trình phụ như phòng tắm tráng và phòng nghỉ ngơi, giải trí. Hiện nay, xu hướng sử dụng lò sưởi điện dần thay thế các buồng đốt củi truyền thống của phòng xông hơi. Mặc dù vậy, hầu hết mọi người thích cách thức xông hơi truyền thống. 

Văn hóa Banya của Nga -0
Truyền thống tắm hơi banya của người Nga. Ảnh: THE MOSCOW TIMES 

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ cao trong phòng xông hơi sẽ kích thích tiết mồ hôi, giúp loại bỏ các chất không mong muốn bên trong cơ thể, bao gồm cả vi khuẩn. Ngoài ra, việc đổ mồ hôi sẽ giúp mở các lỗ chân lông để tăng cường lưu thông máu, cải thiện hoạt động của thận và giúp da mềm mại, tươi tắn hơn. Bên cạnh đó, người dân Nga còn kết hợp tắm hơi với hoạt động xoa bóp bằng “venik”, tên gọi một dụng cụ làm từ bó cành khô của cây bạch dương hoặc sồi, để tăng gấp đôi hiệu quả trị liệu. Bà Maria Vasekha, nhà nghiên cứu tại Viện Dân tộc học & Nhân chủng học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga giải thích: “Các động tác xoa bóp bằng venik cũng có thể coi là một loại hình nghệ thuật. Nhiều người học hỏi điều đó từ cha mẹ hoặc ông bà, hoặc có thể là một chuyên gia trong lĩnh vực banya. Thậm chí, người Nga còn có những cuộc thi dành cho những người đam mê nghiêm túc lĩnh vực massage truyền thống này”.

Tầm quan trọng văn hóa của banya đã vượt ra ngoài công dụng cơ bản của nó, khi các sự kiện trọng đại của người Nga thường được gắn với nơi này. Trước đây, phụ nữ thường lựa chọn sinh con trong các phòng tắm hơi banya. Các cặp vợ chồng cũng thường đến thăm banya để thực hiện phong tục truyền thống. Cụ thể, các chú rể sẽ phải bế cô dâu mới bước qua ngưỡng cửa banya để cầu may mắn khi sinh nở. Ngay cả khi có đám tang, các banya là địa điểm quan trọng gắn kết cộng đồng. Tại đây, mọi người tụ họp sau đám tang để cầu nguyện và chia sẻ về những người thân yêu đã khuất. Mặc dù ngày nay, những truyền thống đó đã mai một nhưng nhiều người Nga vẫn tiếp tục thói quen xây dựng quan hệ cộng đồng thông qua các phòng tắm banya, nơi họ giao lưu, trò chuyện, để ăn mừng hay tiếc thương... 

“Trên thực tế, đây có thể là bí quyết giúp người Nga tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là khi đến với nhà tắm banya, mỗi người đang dành thời gian quý báu của mình cho những người họ yêu thương”, bà Maria chia sẻ.