Trung Quốc tăng cường bảo tồn gấu trúc

Thăm cơ sở nghiên cứu và nhân giống gấu trúc Thành Đô tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), nhiều du khách cảm thấy thích thú và cho rằng đến Thành Đô mà chưa xem gấu trúc thì chuyến đi còn chưa trọn vẹn. Nhìn ngắm loài vật từng đứng bên bờ tuyệt chủng, qua đó thấy được những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học và giới chức Trung Quốc trong công tác bảo tồn và phát triển quần thể hoang dã.

Du khách thăm gấu trúc tại Thành Đô.
Du khách thăm gấu trúc tại Thành Đô.

Nằm cách trung tâm TP Thành Đô khoảng 10 km, với lối dẫn vào ngập tràn hình ảnh loài vật “hai mầu đen trắng”, cơ sở nghiên cứu và nhân giống gấu trúc Thành Đô là điểm đến thú vị dành cho du khách, nhất là vào lúc sáng sớm. Lý do là gấu trúc, vốn được xem là “quốc bảo” của Trung Quốc, linh hoạt nhất lúc được cho ăn, từ khoảng 7 giờ 30 phút đến 9 giờ. Sau thời gian đó, chúng có thói quen “tận hưởng” giấc ngủ ngắn giữa buổi sáng.

Cơ sở phi lợi nhuận về nghiên cứu và nhân giống gấu trúc tại Thành Đô được thành lập năm 1987, với chỉ sáu con gấu trúc được giải cứu từ thiên nhiên. Đến nay, sau hơn 30 năm, nơi đây hiện nuôi dưỡng khoảng 100 cá thể gấu trúc từ lớn đến nhỏ, thuộc các chủng loại gấu trúc khổng lồ, gấu trúc đỏ. Cơ sở cũng là mái nhà chung cho các loài cò và hơn 20 loài động vật quý hiếm khác.

Đặt chân vào khu bảo tồn này, du khách lập tức cảm nhận được không khí trong lành từ những con đường xanh mướt rợp bóng cây. Trúc được trồng để làm nguồn thức ăn cho gấu và cũng để tạo môi trường gần giống tự nhiên nhất, giúp chúng có thể làm quen trước khi được thả về cuộc sống hoang dã.

Theo thống kê, đến cuối năm 2018, 13 chú gấu trúc đã được trở về tự nhiên tại một trong những khu vực phân bố lịch sử của loài là tỉnh Tứ Xuyên. Trong các nỗ lực nhằm bảo tồn và mở rộng phạm vi phân phối của loài vật này, Trung Quốc lên kế hoạch thả một số cá thể gấu trúc vào khu bảo tồn thiên nhiên tại tỉnh Giang Tây. Hiện trong tự nhiên chỉ có gần 2.000 con gấu trúc sinh sống, chủ yếu ở tỉnh Tứ Xuyên và Thiểm Tây.

Thăm gấu trúc, du khách tận mắt chứng kiến quy trình cho ăn, theo dõi sức khỏe hằng ngày, tìm hiểu các bước chăm sóc sinh đẻ dành cho loài vật này. Bảo tàng gấu trúc với các phòng thí nghiệm, triển lãm cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học nhằm bảo tồn động vật hoang dã.

Những chú gấu trúc con chào đời đang được chăm sóc kỹ lưỡng tại đây. Tháng 9-2019, bảy chú gấu sơ sinh đã ra mắt công chúng tại Thành Đô, xác lập các kỷ lục trong năm nay về cặp gấu mới sinh nặng nhất và nhẹ nhất trên thế giới chào đời tại cơ sở này. Chú gấu “Cheng Lang”, nặng chỉ 42,8 gram, nhờ sự chăm sóc kỹ càng của các nhà lai tạo, sau bốn tháng đã đạt trọng lượng hơn 5 kg và đang phát triển tốt.

Tiếp tục các nỗ lực bảo vệ loài gấu trúc, chính quyền Thành Đô đã khởi động dự án xây dựng “hành tinh gấu trúc” nằm trên cơ sở hiện nay, với diện tích 3.500 ha, gồm trung tâm nghiên cứu gấu trúc và các điểm du lịch mở rộng. Theo kế hoạch, cơ sở nghiên cứu mới sẽ có diện tích 235 ha (gấp hơn ba lần diện tích hiện tại), có sức chứa lên tới 180 cá thể gấu trúc. Ước tính khi hoàn thành, “hành tinh gấu trúc” sẽ đón khoảng 16,5 triệu du khách mỗi năm và trở thành khu du lịch sinh thái quốc tế kết hợp nghiên cứu bảo tồn khoa học và sáng tạo văn hóa.

Gấu trúc trở thành đặc phái viên quan trọng giúp kết nối Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên với các địa phương khác trên thế giới, qua đó đem lại nhiều cơ hội hợp tác và giao lưu văn hóa. Những thỏa thuận giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, như Pháp, Đức, Nhật Bản… thời gian gần đây cũng thúc đẩy các dự án nhằm tăng cường quảng bá về loài vật có nguy cơ tuyệt chủng này, cùng việc liên kết thành lập công viên sinh thái có chủ đề gấu trúc, cho thấy những nỗ lực mang tính toàn cầu trong việc chung tay bảo vệ động vật quý hiếm.