Trào lưu “koe knuffelen”

Theo ABC, trào lưu “koe knuffelen” (trong tiếng Hà Lan nghĩa là “ôm bò”) đã trở thành xu hướng chăm sóc sức khỏe kiểu mới đem lại những lợi ích to lớn về sức khỏe tinh thần, tâm lý. Đây là phương pháp tự chăm sóc bản thân, đem lại sự thanh thản và lạc quan, đưa con người gần gũi với thiên nhiên, động vật. Bắt nguồn từ vùng nông thôn Hà Lan, đến nay phương pháp này ngày càng thu hút được nhiều người tham gia. 

Ôm bò đang trở thành liệu pháp điều trị tâm lý mới. Ảnh: ADVENTURES
Ôm bò đang trở thành liệu pháp điều trị tâm lý mới. Ảnh: ADVENTURES

Theo các nhà khoa học, phương pháp ôm bò tập trung kích thích đặc tính chữa bệnh tự nhiên thông qua sự âu yếm giữa người và nhiều loài động vật thân thiện, giống như các phương pháp tập yoga với chó, mèo, thỏ đang rất thịnh hành hiện nay. Trong thời gian từ 2 đến 3 giờ đồng hồ, người âu yếm bò có thể gia tăng những suy nghĩ, chuyển biến tâm lý tích cực, đồng thời giảm căng thẳng. Theo lý giải khoa học, việc ôm bò làm cơ thể tăng oxytocin, loại hormone được giải phóng khi con người đang yêu, hoặc cảm thấy vui vẻ trong các mối quan hệ xã hội.

Trong nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí khoa học Applied Animal Behaviour Science cho biết: “Các loài động vật như chó, mèo và bò phần nào có thể cảm nhận được sự thân thiện của con người”. Bà Claudia Schmied, nhà khoa học tại Viện Chăn nuôi & Phúc lợi thuộc Đại học Thú y ở Thủ đô Vienna (Áo) cùng nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm việc âu yếm 30 con bò giống Brown Swiss và 30 con bò giống Simmental. Kết quả cho thấy, hoạt động âu yếm của con người cũng giúp động vật thư giãn, làm giảm nhịp tim trở về bình thường, ổn định.

Hoạt động vừa giải trí, vừa chữa bệnh hiệu quả, lành mạnh này đã xuất hiện ở các vùng nông thôn của Hà Lan hơn 10 năm trước. Ngày nay, các trang trại ở Hà Lan, Thụy Sĩ và đặc biệt là Mỹ đang tổ chức các chương trình ôm bò và quảng bá các lợi ích về sức khỏe. Sống tại làng Naples, bang New York (Mỹ), bà Suzanne Vullers, chủ sở hữu trang trại Mountain Horse cho biết: “Hoạt động này đang nhận được nhiều sự quan tâm, yêu thích trong vài năm trở lại đây. Nhiều người thậm chí đã lái xe hàng giờ tới trang trại chúng tôi chỉ để hội ôm ấp, chải lông và nói chuyện với những chú bò. Đó là sự kết nối lại với thiên nhiên, động vật, tìm kiếm một chút thời gian yên tĩnh cho bản thân”.

Tại đây, học viên chỉ cần bỏ ra 300 USD là có thể tham gia một khóa trị liệu với bò và ngựa trong vòng 90 phút, hoặc trả 75 USD cho mỗi giờ ôm ấp các chú bò. Cách trị liệu này không chỉ lý tưởng cho những người yêu động vật, nhiều ý kiến chuyên gia còn khẳng định nó không ảnh hưởng đến loài bò. Mario Backer, một chuyên gia về hành vi động vật giải thích với tờ Metro UK (Anh): “Ôm ấp với con người không phải là nhu cầu tự nhiên của chúng. Tuy nhiên, bò là loài vật thích thân thiện với con người và cũng thích được ôm ấp”. Chủ nhân trang trại Mountain Horse cam đoan rằng những con vật ở đây được nuôi nấng và chăm sóc rất tốt. “Chúng tôi để chúng sống theo một cách tự nhiên nhất có thể. Đàn bò hiện sống theo bầy đàn có tính đoàn kết chặt chẽ giống với môi trường hoang dã”, bà Vullers chia sẻ.

Theo một báo cáo năm 2011 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Trung tâm Thống kê y tế quốc gia, gần 60% các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã yêu cầu cho phép áp dụng liệu pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế bằng việc cho bệnh nhân tiếp xúc vật nuôi. Cùng trong năm đó, Dịch vụ Đăng ký động vật quốc gia đã thống kê hơn 2.400 động vật có thể hỗ trợ điều trị tâm lý, tinh thần cho bệnh nhân. Theo The New York Times, con số này đã lên tới khoảng 200 nghìn động vật được đăng ký mới trong tháng 6 vừa qua.

Ông Warren Corson, sống tại thị trấn Wolcott, thuộc bang Connecticut (Mỹ) đã xây dựng một trang trại vật lý trị liệu rộng hơn 20 ha với chó, mèo, gà, thỏ, vịt và bò. Ông Corson cho rằng liệu pháp mới có thể hỗ trợ các bệnh nhân đang dùng các liệu pháp truyền thống. “Việc ôm ấp các loài vật giúp kích thích các phần khác nhau trong não bộ. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đến với trang trại tiếp thu nhanh hơn các tư vấn sức khỏe, giúp liệu pháp điều trị truyền thống hiệu quả hơn”, ông Corson phân tích.