Trại hè công nghệ cho nữ sinh Ethiopia

Theo ước tính của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO) về tình trạng giáo dục toàn cầu, dưới tác động của đại dịch Covid-19, có tới 20 triệu trẻ em gái và phụ nữ trẻ ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình sẽ không đi học trở lại; khoảng 25% số học sinh trên thế giới có thể không đạt được trình độ giáo dục tối thiểu để thông thạo một công việc cơ bản trong tương lai. Thực trạng này đặc biệt đáng ngại ở các nước châu Phi, nơi mức sống còn nhiều hạn chế. 

Học lập trình mở ra cơ hội việc làm cho nữ sinh. Ảnh: UN
Học lập trình mở ra cơ hội việc làm cho nữ sinh. Ảnh: UN

Những đứa trẻ lớn lên trong trại tị nạn ở thị trấn Shire thuộc khu vực Tigray (Ethiopia) đã không được đến trường trong phần lớn thời gian của năm 2020 và đến tận bây giờ vẫn chưa thể quay lại lớp học. Các điều phối viên của UNESCO cho biết, việc học tập của các em bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vùng Tigray của Ethiopia từ lâu đã trở thành “điểm đến” của những người chạy trốn xung đột và bạo lực từ nhiều nước châu Phi. Giới chức nước này đã hỗ trợ để bảo đảm cuộc sống người dân trong khu vực tị nạn, song nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, vẫn không có cơ hội đến trường. Trong khi đó, các công việc trong tương lai ngày càng đòi hỏi học sinh không chỉ biết đọc, viết cơ bản mà còn yêu cầu phải nắm được các kỹ năng tin học, lập trình tối thiểu.

Trước những yêu cầu đó, UNESCO cùng với Ủy ban Kinh tế châu Phi thuộc LHQ và Liên minh Viễn thông quốc tế đã tổ chức mô hình trại lập trình cho nữ sinh tại Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia). Tháng 10-2020, trại hè đầu tiên được tổ chức đã quy tụ hơn 2.000 cô gái trẻ từ khắp châu Phi tham gia các khóa học ngắn về lập trình máy tính, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển website, như thương mại điện tử… Tham gia trại hè này, học sinh được trực tiếp học tập các kỹ năng lập trình cơ bản, sau đó các em có thể trở về phổ biến kiến thức cho bạn bè và người thân của mình.

Với nhiều người, lập trình có thể được xem là một công việc nhàm chán, nhưng với những nữ sinh tại trại hè, hoạt động này đã trở nên sôi nổi, hào hứng. Các học viên tại trại lập trình được giao những đề tài như phát triển ứng dụng để giải quyết các vấn đề mà họ đã trải qua, hoặc phương thức chia sẻ thực phẩm, nước sạch trong đại dịch Covid-19. Qua đó, nhiều em đã đưa ra những phương án độc đáo và sáng tạo, nắm vững trình độ lập trình, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm, đồng thời cũng xây dựng sự tự tin.

Sau sự kiện mở màn đó, chính những học viên tham gia trại lập trình lại tổ chức hàng chuỗi lớp học và dạy lập trình khác, cả theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút hàng nghìn nữ sinh nói riêng và những người quan tâm ở khắp châu Phi. Các chuyên gia của UNESCO đánh giá, sáng kiến về trại hè công nghệ thông tin đã cho thấy khả năng tiếp cận học tập kể cả khi các trường học vẫn phải đóng cửa vì Covid-19. TS Mwarumba Mwavita, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá giáo dục tại Trường đại học Strathmore (Kenya) nhận định, việc phổ biến ngôn ngữ lập trình đang mang lại hy vọng và cơ hội cho các nữ sinh, các cô gái trẻ vượt qua những thách thức trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Nhờ lập trình, họ có thể tìm được công việc phù hợp, có thể làm việc tại nhà và tăng thu nhập để giảm bớt gánh nặng gia đình.

Hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp kéo theo suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia. Do đó, việc ưu tiên cho giáo dục cũng đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn lực nghiêm trọng. Đặc biệt, các nước châu Phi còn đứng trước thách thức phát triển nền giáo dục chất lượng và công bằng, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong bối cảnh đó, trại lập trình là minh chứng cho những nỗ lực tạo cơ hội để trẻ em gái và phụ nữ trẻ có thể tạo ra thay đổi tích cực cho bản thân và cả cộng đồng.