Tinh hoa trong truyền thống của Pakistan

Trong cuộc sống thường nhật của người dân Pakistan, đường thốt nốt không chỉ là một loại thực phẩm quan trọng mà còn là phương thuốc chữa bệnh hiệu quả. Việc chế biến loại đường này được người dân địa phương coi là một trong những tinh hoa của truyền thống và gìn giữ qua nhiều thế kỷ.

Người dân Pakistan làm đường thốt nốt. Ảnh: DAILY NEWS
Người dân Pakistan làm đường thốt nốt. Ảnh: DAILY NEWS

Đường thốt nốt ở Pakistan được chiết xuất từ quá trình làm bay hơi nước mía ép, sau đó trộn với nhựa của cây cọ Palmyrah, cọ dừa hoặc nhựa cây chà là, sau đó làm cô đặc. Nhiều phiên bản khác nhau của đường thốt nốt đã xuất hiện từ lâu trên khắp khu vực Nam Á và châu Mỹ. Trong quá trình tinh chế hiện nay, đường trắng được khử tạp chất nhưng cũng loại bỏ luôn một số chất vi lượng. Bởi vậy, bản chất không tinh chế của đường thốt nốt giữ được các khoáng chất vi lượng và đem lại lợi ích về sức khỏe, như bổ sung cho cơ thể nhiều chất cần thiết như canxi và magiê.

GS, TS Hakim Abdul Hannan, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển tại Đại học Hamdard ở thành phố Karachi (Pakistan) cho biết: “Đường thốt nốt là cách người xưa bảo quản vụ thu hoạch mía. Mía là dạng thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng nhưng tiêu tốn diện tích đất canh tác thấp nhất”. Đường thốt nốt cũng phát triển rộng rãi ở những khu vực sau này là Pakistan và Bangladesh từ thời điểm đó.

Ở Pakistan, đường thốt nốt ở cả dạng hạt và dạng khối được bày bán phổ biến tại các chợ đầu mối của nhiều thành phố lớn, như chợ Jodia Bazaar ở Karachi. Những hạt đường thốt nốt được người dân Pakistan coi như món quà kỳ diệu từ thiên nhiên mang đến sự ngọt ngào, kết nối và ấm áp. Trong gia đình, đường thốt nốt được dùng làm đồ tráng miệng, làm kẹo viên ngậm chữa ho, dùng khi uống trà tiếp khách hoặc làm quà cho trẻ em… Hương vị ngọt sâu của đường thốt nốt khiến nó trở thành một gia vị quan trọng trong nhiều công thức nấu ăn truyền thống. Du khách sẽ tìm thấy vị ngọt đường thốt nốt trong các loại bánh của Pakistan như “halwa” và “mithai”, hay món “til laddoo” hấp dẫn (hạt vừng rang và quyện đường thốt nốt cô đặc).

Ngoài ra, các món ngọt được chế biến từ đường thốt nốt cũng không thể thiếu trong các dịp lễ hội cộng đồng hay sự kiện lớn, nhỏ của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Anh Zia Tabarak, một YouTuber  nổi tiếng người Pakistan nhớ lại: “Khi còn nhỏ, những đứa trẻ Pakistan như tôi quá quen thuộc với “món đậu phộng hoặc mè tẩm đường thốt nốt giòn”. Đối với anh Tabarak, cũng như nhiều người Pakistan khác, đường thốt nốt chứa đựng giá trị tình cảm, tinh thần vô cùng to lớn. Sau này, chính anh là người quảng bá nghề sản xuất đường thốt nốt truyền thống ở Charsadda, một thị trấn của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Khác với nhiều nơi, quy trình của các nghệ nhân làm đường Pakistan vừa mộc mạc, vừa hiệu quả, vì họ tận dụng bã mía phơi khô để làm nhiên liệu đốt ​​giúp giảm bớt lãng phí. 

Sự phổ biến của đường thốt nốt ở Pakistan một phần cũng đến từ giá trị đối với sức khỏe con người. Phụ nữ ở vùng nông thôn Pakistan sử dụng đường thốt nốt để giảm đau bụng khi đến kỳ hoặc đẩy nhanh quá trình chuyển dạ khi sinh. Trong khi đó, trẻ sơ sinh và trẻ em thường được cha mẹ cho uống đường thốt nốt để ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Nhiều người già Pakistan kết thúc bữa ăn với một cục đường thốt nốt để hỗ trợ tiêu hóa và giảm đau khớp, chống viêm nhiễm. Đặc biệt, “purana gud” (đường thốt nốt già) đã xuất hiện trong sách y học cổ như Sushrata Samhita (một tác phẩm bằng tiếng Phạn về y học và phẫu thuật) và được đề cập về tác dụng lọc máu, giảm rối loạn chức năng mật, ngăn ngừa bệnh thấp khớp.

Theo TS Sarah Nadeem tại Đại học Aga Khan ở thành phố Karachi: “Việc sử dụng điều độ đường thốt nốt có thể đem lại hiệu ứng tích cực về thể chất và tinh thần cho con người. Ngoài ra, nó thể hiện một lối sống gần gũi với thiên nhiên nhất có thể của nhiều thế hệ người Pakistan”.