Thời trang hướng đến cộng đồng

Thời trang là một trong những ngành thường bị chỉ trích là thiếu cam kết trách nhiệm xã hội, hay đôi khi còn sử dụng các nguyên liệu ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhãn hiệu thời trang trên thế giới hướng tới các dòng sản phẩm bền vững và hoạt động cộng đồng. 

Các người mẫu không chuyên mặc sản phẩm của Michel Halpern. Ảnh: HARPER'S
Các người mẫu không chuyên mặc sản phẩm của Michel Halpern. Ảnh: HARPER'S

Tạp chí thời trang Vogue đã chỉ ra rằng, thời trang trong những năm gần đây đã bám sát các phong trào bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về môi trường hay hoạt động xã hội. Điều đó thể hiện ở chỗ ngày càng có nhiều nhà thiết kế tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, công tác cộng đồng. Tại Anh, nhà thiết kế Michael Halpern nổi tiếng với những trang phục rực rỡ, lấp lánh vốn chỉ dành cho biểu diễn trên sân khấu, song trong thời điểm nước Anh đối mặt cuộc khủng hoảng y tế do dịch Covid-19, Halpern đã ra mắt bộ sưu tập mới của mình và mời các nhân viên y tế nơi tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch tham gia trình diễn. 

Michael Halpern đã mời đến studio tám “nữ anh hùng tiền tuyến”, là các nhân viên công ích thiết yếu như y tá khoa cấp cứu, bác sĩ sản khoa, người điều hành trạm xe bus đêm… tới làm người mẫu cho bộ sưu tập mùa xuân năm 2021. Là một người mẫu không chuyên khoác lên mình những thiết kế “bùng nổ mầu sắc” và đính đầy kim sa lấp lánh của Halpern, Chevonese, nữ y tá chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Y tế Croydon, London (Anh), cho biết đây là trải nghiệm khó quên đối với một người ít tiếp xúc giới thời trang như chị. “Tôi rất cảm ơn Halpern đã cho tôi có cơ hội tham gia một sự kiện thời trang đề cao các nhân viên y tế nơi tuyến đầu. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa với chúng tôi”, Chevonese chia sẻ. 

Theo Halpern, thông qua buổi chụp ảnh, anh muốn mang đến niềm vui và khích lệ những người đang ngày đêm làm việc vì cộng đồng. Anh cho biết: “Thời trang không chỉ là làm đẹp mà còn mang lại những phút giây nghỉ ngơi thoải mái, đặc biệt là khi chúng ta đã trải qua một khoảng thời gian tồi tệ như vậy”. 

Cũng cam kết gắn với trách nhiệm xã hội, hãng sản xuất đồng hồ thời trang Nordgreen của Đan Mạch, thành lập từ năm 2017, đã phát triển sản phẩm theo tiêu chí bền vững và tiện dụng. Các thiết kế của Nordgreen đều được trích một phần tiền sau khi bán để quyên góp cho các tổ chức môi trường như Water For Good, Pratham UK hay Cool Earth. Đồng hồ nam và nữ của Nordgreen có nhiều kiểu dáng khác nhau, song từ dây đeo đến mặt đồng hồ đều làm bằng các chất liệu thân thiện môi trường, có thể tái chế, tái sử dụng hoặc hoán đổi cho người khác sử dụng để giảm thấp nhất lượng rác thải.

Mới đây, Hội đồng Thời trang Anh (BFC) cũng tổ chức sự kiện vinh danh các cá nhân và thương hiệu thời trang có đóng góp lớn vào việc bảo vệ môi trường và tham gia hoạt động xã hội tích cực, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Trong đó, các nhà mốt lớn như Chanel của Pháp hay Burberry của Anh cũng được vinh danh với những đóng góp trong hoạt động hỗ trợ sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân, cùng gần 20 thương hiệu khác có các hoạt động ý nghĩa, bảo vệ môi trường và truyền cảm hứng trong cộng đồng.

Xu hướng “xanh” và xu hướng “cộng đồng hóa” không chỉ xuất hiện ở các nhãn hàng nhỏ mới ra mắt mà còn có sự tham gia của các nhãn hiệu đã có tên tuổi. Chẳng hạn như nhà thiết kế thời trang người Anh Vivienne Westwood, một nhân vật có ảnh hưởng trong việc đưa các “làn sóng mới” vào thời trang chính thống. Ít người biết rằng bà đã tích cực đưa nhãn hiệu của  mình tham gia các hoạt động vì môi trường. Đối tác chính của bà là tổ chức bảo vệ môi trường Cool Earth, mà thông qua đó, Vivienne Westwood đã đóng góp phần lớn số tiền thu được từ việc bán những chiếc áo phông thuộc thương hiệu của bà để cứu các khu rừng nhiệt đới. Đến nay, bà đã quyên góp hơn một triệu bảng Anh (tương đương 1,4 triệu USD) cho Cool Earth.