Thái-lan tính chuyện “dời đô”

Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ùn tắc giao thông, mật độ dân số quá cao ở Thủ đô Bangkok, Thái-lan đang tính đến phương án “dời đô” đến một thành phố mới.

Tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên diễn ra tại Bangkok. Ảnh: WORDPRESS
Tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên diễn ra tại Bangkok. Ảnh: WORDPRESS

Theo The Straits Times, thủ đô của Thái-lan đang đối mặt hàng loạt thách thức như dân số bùng nổ (hơn 10 triệu người), chất lượng không khí ở mức đáng báo động và giao thông tắc nghẽn thường xuyên, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Hiện Bangkok là thành phố có tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng đứng thứ tám thế giới.

Không chỉ vậy, do được xây trên một vùng đất trước kia là đầm lầy, Bangkok nằm trong nhóm các đô thị sụt lún nhanh chóng và chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, bên cạnh Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), TP Hồ Chí Minh (Việt Nam)... Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030, lượng mưa lớn và các thay đổi trong chu kỳ mùa màng sẽ khiến gần 40% diện tích Bangkok ngập trong nước. Con số này sẽ là gần 70% vào năm 2050. Trước đó, trận lụt năm 2011 tại Thái-lan đã gây ra thiệt hại kinh tế lên tới khoảng 46 tỷ USD và được coi là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Chính phủ “đất nước những nụ cười” sau đó phải chi đến tám tỷ USD chỉ để khôi phục Bangkok, chưa tính đến 10.000 nhà máy và 660.000 việc làm bị ảnh hưởng.

Trước những bất cập ở Bangkok, nhà chức trách đang lên kế hoạch chuyển thủ đô về một thành phố khác. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị kết nối Thái-lan với thế giới diễn ra mới đây, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết: “Chúng tôi đang lên các phương án cho việc di dời thủ đô. Phương án thứ nhất là tìm một thành phố không quá xa và chi phí di dời không quá cao. Phương án thứ hai là đưa trung tâm hành chính, cơ quan chính phủ ra ngoại ô Bangkok để giảm tình trạng quá tải”.

Ông Chan-o-cha đánh giá việc di chuyển các cơ quan chính phủ ra ngoại ô Bangkok có thể giảm bớt lưu lượng giao thông, nhu cầu đi lại trong và ngoài trung tâm thành phố. Ông cũng khẳng định, cần tiến hành nghiên cứu toàn diện về tác động kinh tế - xã hội của kế hoạch di dời thủ đô.

Tuy nhiên, ngày 30-9 vừa qua, ông Thosaporn Sirisamphand, thành viên Hội đồng Phát triển kinh tế - xã hội quốc gia Thái-lan cho biết, cơ quan này vẫn chưa nhận được yêu cầu nghiên cứu về phương án này. “Di dời thủ đô là một vấn đề lớn và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan chính phủ. Do đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào thực hiện”, ông Thosaporn đánh giá.

Tuyên bố về khả năng di dời thủ đô của Thủ tướng Thái-lan được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo kế hoạch trong 5 năm sẽ dời thủ đô nước này từ Jakarta đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, với tổng chi phí ước tính 33 tỷ USD. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu ý tưởng này được nghiên cứu và đưa ra tại Thái-lan. Cựu thủ tướng nước này, ông Thaksin Shinawatra từng đề nghị dời thủ đô hành chính đến tỉnh Nakhon Nayok, cách Bangkok gần 100 km về phía đông bắc. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng được tiến hành về việc dời thủ đô đến tỉnh Chachoengsao, cách Bangkok khoảng 80 km về phía đông.

Ngay khi được thông báo, ý tưởng “dời đô” của Thái-lan cũng đối mặt nhiều luồng ý kiến, bao gồm cả những nghi hoặc về tính khả thi giống trường hợp ở Indonesia. Ông Tritecha Tangmatitham, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty bất động sản Supalai Plc tỏ ra nghi ngờ kế hoạch “dời đô” khỏi Bangkok. Ông cho rằng kế hoạch này nếu có thể thực hiện cũng sẽ tốn nhiều thời gian. “Các chính phủ trước đây đều đã đưa ra ý tưởng này, nhưng nó chưa bao giờ thành hiện thực. Ít nhất phải mất 5 năm mới có thể bắt đầu các thảo luận nghiêm túc giữa các cơ quan liên quan về ý tưởng đưa thủ đô sang một địa điểm khác”, ông Tritecha nhận định.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, trước mắt các nhà chức trách tại Thái-lan cần nghiên cứu kỹ các phương án nhằm giảm tắc nghẽn ở Bangkok cũng như tập trung vào phát triển các thành phố cấp hai. Đây là những giải pháp có thể phần nào giúp giải quyết các bài toán khó mà chính quyền Bangkok đang phải đối mặt, trước khi tính đến một biện pháp tổng thể và quy mô hơn.