Sáng tạo trong phát triển nông nghiệp của Israel

Israel là quốc gia nổi tiếng với những phát kiến về tăng trưởng nông nghiệp trong điều kiện thổ nhưỡng không mấy màu mỡ và sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả. Nhờ những sáng tạo đó mà ngành nông nghiệp của quốc gia Trung Đông này luôn bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm.

Các kỹ sư nông nghiệp Israel áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt. Ảnh: ITRADE
Các kỹ sư nông nghiệp Israel áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt. Ảnh: ITRADE

Từ Việt Nam phải trải qua chặng bay dài với thời gian tổng cộng 13 giờ đồng hồ mới tới được thành phố Tel Aviv của Israel. Tel Aviv là thành phố được thành lập từ những năm đầu của thế kỷ trước bởi những người nhập cư Do Thái. “Thành phố trắng” là biệt danh của Tel Aviv, với lối kiến trúc mang phong cách Đức đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học & Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Tất cả các căn nhà ở đây đều bắt buộc phải lát bên ngoài một loại đá trắng mà chỉ có ở vùng hoang mạc Trung Đông này.

Ngoài Tel Aviv là thành phố mang tính biểu tượng văn hóa thì Israel còn có Haifa, thành phố cảng của nhiều ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Israel, gồm khu công nghệ cao lớn nhất nước, nhà máy lọc dầu, xi-măng, hóa chất, thiết bị điện tử, kính, thép, hàng dệt may… Tại đây có hai tổ chức giáo dục uy tín là Đại học Haifa và Học viện Công nghệ Israel, đã có nhiều phát minh phần mềm được sản sinh mà hãng phần mềm Microsoft danh tiếng của Mỹ vẫn thường xuyên đặt hàng.

Với đặc điểm thổ nhưỡng chủ yếu không phù hợp để phát triển nông nghiệp, song Israel đã có những sáng tạo để vượt qua khó khăn, điển hình là việc xây dựng nông trại trên cao nguyên. Ước tính khoảng 70% diện tích của Israel là sa mạc (riêng sa mạc Negev đã rộng khoảng 12.000 km²), chỉ có 20% diện tích đất đai (khoảng 4.100 km2) là có thể trồng trọt, phần còn lại là rừng và đồi dốc khô cằn. Do địa hình và khí hậu khắc nghiệt, trong khi dân số tăng nhanh, lại thêm lượng người nhập cư đổ về nhiều từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nên nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp ngày càng lớn, gây nhiều áp lực lên ngành nông nghiệp. Vì vậy, Israel đã xây dựng và thực hiện chiến lược đi sâu nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Kết quả là, chỉ với 2,2% dân số làm nông nghiệp, nhưng gần đây, trung bình mỗi năm Israel xuất khẩu nông sản trị giá tới 3,5 tỷ USD, là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Sáng tạo trong phát triển nông nghiệp của Israel ảnh 1

Israel có sản lượng nông nghiệp cao dù đất đai phần lớn là hoang mạc. Ảnh: WN

Do vậy, nhiều người khi tới Isarel có thể đặt câu hỏi rằng những vùng đất khô cằn trên hoang mạc lại có thể có nhiều nông trại trồng cây giống, cây ăn trái như vậy? Chúng tôi đến thăm một nông trại trồng cây ăn trái gồm táo, dâu, kiwi, lựu… của Tima, ông chủ trang trại đã gần 80 tuổi nhưng có vóc dáng khỏe mạnh. Ông cho biết, cả nông trại rộng khoảng 2 km2, được chia ra từng khu vực trồng mỗi loại cây ăn quả. Giới thiệu các loại cây trái trong khu vườn rộng lớn và cho chúng tôi nếm thử các loại táo mà năm qua trang trại của ông thu hoạch được.

Vườn cây trái sum suê của ông Tima là kết quả của chính sách đầu tư toàn bộ hệ thống tưới tiêu đến từng gốc cây, bãi cỏ, các công trình cây xanh công cộng trên toàn quốc, tới những nông trại của người nông dân của Chính phủ Israe. Những trang trại như của ông Tima đều được trang bị hệ thống tưới tiêu tự động gồm nước tưới và phân bón, chỉ cần ngồi tại nhà điều khiển tưới theo giờ quy định đối với từng loại cây. Israel tự hào trong việc áp dụng công nghệ trong nông nghiệp, tái chế nước thải trên toàn quốc thành nước tưới, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt, thuốc trừ sâu sinh học, phân bón sinh học an toàn cho năng suất cao... Những giải pháp đó đã và đang khiến cho ngành nông nghiệp và trồng trọt phát triển hiệu quả và bền vững ở Israel.