Sáng kiến chống hạn của Chile

Chính quyền các địa phương thường bị hạn hán kéo dài ở Chile đã lắp đặt những hệ thống được gọi là “bẫy sương mù”, được đánh giá là sáng kiến chống hạn hiệu quả. Không chỉ cung cấp đủ nước sạch cho sinh hoạt, sáng kiến này còn giúp thu được nước để chăn nuôi và trồng trọt. 

Bẫy sương mù được lắp đặt phổ biến ở Pena Blanca. Ảnh: IPS
Bẫy sương mù được lắp đặt phổ biến ở Pena Blanca. Ảnh: IPS

Khu vực Pena Blanca nằm ở phía nam vùng Coquimbo, cách Thủ đô Santiago của Chile khoảng 300 km đã hứng chịu một đợt hạn hán kéo dài. Theo cảnh báo của Công ước LHQ về chống sa mạc hóa (UNCCD) cách đây hai năm, Pena Blanca đang đối mặt nguy cơ trở thành một phần của sa mạc Atacama vào năm 2050. Nhà nghiên cứu Nicolas Schneider thuộc Quỹ “Ngừng sa mạc hóa” (A Stop in the Desier) cho biết, cộng đồng dân cư trong khu vực này đã phải chật vật tìm các biện pháp trữ nước trong hàng chục năm qua.

Thống kê cho thấy, lượng mưa trung bình hằng năm ở các khu vực đô thị thuộc lưu vực sông Limari ở Coquimbo rơi vào khoảng 102,6 mm trong 30 năm qua, so mức trung bình khoảng 150 - 160 mm tại các khu vực khác trên cả nước. Vào năm 2018, mức trung bình thậm chí giảm xuống còn 38,1 mm và năm 2019 là 8,5 mm. Trước những đợt khô hạn kéo dài, các nhà khoa học đã tìm ra sáng kiến lắp đặt những hệ thống “bẫy sương mù”. 

Hệ thống thu nước từ hơi sương này được tạo nên từ các tấm lưới mảnh, lắp đặt trên các sườn dốc, nơi thường xuyên có sương mù để hứng những giọt nước li ti lơ lửng trong không khí. Hơi nước ngưng tụ lại trên lưới và nhỏ giọt chảy xuống các rãnh nước nhỏ dẫn vào bể thu gom. Trên thực tế, hệ thống “bẫy sương mù” hiện nay là sự phát triển từ phát minh của nhà vật lý người Chile Carlos Espinosa. Ông Espinosa đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) cấp bằng sáng chế năm 1980 cho phát minh này và sau đó đã được sử dụng ở một số địa phương ở Chile. 

Dự án “bẫy sương mù” đầu tiên ở Chile được triển khai ở thị trấn mỏ El Tofo, nằm ở phía bắc Coquimbo, song các công trình này đã bị bỏ hoang từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ở Coquimbo hiện cũng còn một số cơ sở khác thu hoạch nước từ sương mù đang hoạt động, song hệ thống lớn nhất là ở Pena Blanca. Một số địa phương lắp đặt các hệ thống nhỏ, thu hoạch khoảng 7 lít nước sạch mỗi ngày từ mỗi hệ thống để làm nước uống, một khu vực khác sản xuất nước đóng chai từ sương… 

Riêng tại Pena Blanca, nước sạch thu được từ máy bẫy sương còn đủ dùng cho cả tưới tiêu, nông nghiệp. Các hệ thống hiện nay do nhà sáng chế Schneider Daniel và Guido Rojas nâng cấp, với các tấm lưới mảnh được làm bằng các vật liệu cho hiệu suất thu được hơi nước cao hơn và trong một diện tích lớn hơn. Ông Guido Rojas, 58 tuổi, là người bản địa ở Pena Blanca. Ông cùng nhà nghiên cứu Schneider phát triển hệ thống này tại quê nhà từ năm 2006. Đến nay, đã có 24 máy “bắt sương mù”, với tổng cộng 216 m2 lưới. 

“Dự kiến đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ sửa chữa 12 tấm và xây dựng 16 lưới hấp thụ sương mù mới, nâng tổng số máy lên 28 chiếc với tổng diện tích 252 m2 để thu hoạch nước”, ông Rojas chia sẻ. Vào khoảng tháng 9, 10 và 11 mỗi năm, lượng nước sạch thu được từ sương mù lên tới 20 lít một ngày trên mỗi máy, tương đương gấp ba lần lượng thông thường. Ước tính mỗi ngày hệ thống này đã thu hoạch được hơn 1.500 lít nước. “Nước sạch không chỉ đủ dùng cho sinh hoạt mà còn đủ để tưới cây và chăn nuôi, giúp tôi tăng thu nhập”, Rojas cho biết. 

Theo ông Schneider, các thiết bị bắt sương mù có tính khả thi cao và tương lai phát triển rộng mở. Hệ thống độc đáo đã được chứng minh thích hợp với các địa hình dọc theo toàn bộ khu vực khô hạn tại vùng ven biển dài hơn 2.000 km của quốc gia Nam Mỹ. “Hệ thống này thật sự phát huy và hữu dụng tại những khu vực biệt lập như các vịnh ven biển thiếu nước ngọt hoặc các khu dân cư rải rác. Đây cũng là biện pháp quan trọng góp phần chống sa mạc hóa khi người dân có thể thu hoạch được lượng nước lớn mùa xuân để sử dụng trong mùa hè khô hạn”, Schneider chia sẻ. 

Với hiệu quả hoạt động của hệ thống này, tháng 7 vừa qua, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đã cấp vốn thêm 40.000 USD để cải tạo và xây dựng mạng lưới “bẫy sương mù” tại Pena Blanca, đồng thời khuyến khích các địa phương khác nhân rộng mô hình này.