Phát triển nông nghiệp thông minh tại Nhật Bản

Trong khi lĩnh vực công nghiệp, chế tạo của Nhật Bản nổi tiếng với công nghệ và kỹ thuật hiện đại, thì ngành nông nghiệp của “xứ Phù Tang” vẫn chưa xứng tầm do phụ thuộc lực lượng lao động ngày một già hóa và kỹ thuật canh tác chậm đổi mới. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, nhiều cải tiến công nghệ đang giúp hiện đại hóa ngành nông nghiệp của Nhật Bản và tăng mạnh lượng nông sản xuất khẩu.

Nhà kính của Công ty Bell Farm đặt tại tỉnh Shizuoka. Ảnh: BBC
Nhà kính của Công ty Bell Farm đặt tại tỉnh Shizuoka. Ảnh: BBC

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Nhật Bản là 8,79 tỷ USD, đánh dấu mức cao kỷ lục trong năm thứ bảy liên tiếp. Nước này lên kế hoạch đạt mục tiêu xuất khẩu 19,28 tỷ USD vào năm 2025 và 48,21 tỷ USD vào năm 2030. Những con số này rất ấn tượng, song sẽ không dễ đạt được nếu nền nông nghiệp của Nhật Bản tiếp tục dựa trên lượng lao động có độ tuổi trung bình gần 67, kỹ thuật canh tác còn chịu ảnh hưởng bởi thời tiết và thời vụ. Do đó, chính phủ và nhiều doanh nghiệp nước này đang tìm cách hiện đại hóa các phương thức canh tác để tăng năng suất. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng nhận thức được sự cần thiết phải chuyển đổi từ mô hình “sản phẩm ưu tiên” theo thế mạnh địa phương sang mô hình “khách hàng là trên hết”, hoặc “nông nghiệp theo định hướng thị trường”.

Một thí dụ điển hình về sự cải tiến tổng hợp này là mô hình nông nghiệp thông minh tại Bell Farm. Nằm ở TP Kikugawa, thuộc tỉnh Shizuoka, nông trại Bell Farm chuyên trồng Akademi - một loại cà chua cỡ trung bình, có vị ngọt và rất phổ biến trong các món ăn tại Nhật Bản. Cà chua là loại cây nông nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai của nước này, chỉ đứng sau gạo. Hơn nữa, nó cũng là một loại thực phẩm rất quen thuộc trên toàn thế giới. Đó là lý do Bell Farm chọn cà chua làm sản phẩm để hiện thực hóa mô hình “nông nghiệp thông minh”: sử dụng công nghệ tiên tiến và kết hợp với quản lý canh tác nhằm đạt mục tiêu sản xuất dựa trên nhu cầu của khách hàng.

“Trong lĩnh vực nông nghiệp, có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch, vì vậy người nông dân thường thử nhiều cách khác nhau dựa trên kinh nghiệm của mình. Đối với chúng tôi, nông nghiệp thông minh liên quan việc số hóa quy trình, sau đó phân tích và học hỏi từ kết quả từng vụ thu hoạch”, ông Norihisa Okada, Giám đốc điều hành của Bell Farm cho biết. 

Kể từ năm 2019, Bell Farm đã sử dụng “Profarm T-Cube”, một công trình nhà kính kiểm soát khí hậu bên trong từ độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng…, giúp đạt mục tiêu là sản xuất và thu hoạch quanh năm. Bên trong nhà kính trang bị robot phân loại sử dụng phần mềm nhận dạng hình ảnh, có thể kiểm tra hàm lượng đường, độ hư hỏng và kích thước của từng quả cà chua. Những công nghệ này được một chi nhánh của tập đoàn sản xuất linh kiện ô-tô Denso phát triển. Hãng đã sử dụng chuyên môn trong lĩnh vực robot và tự động hóa công nghiệp để tạo ra các giải pháp mới cho nông nghiệp. Ông Okada cũng khẳng định, nông nghiệp thông minh còn đem lại lợi ích cho các nhà sản xuất về lực lượng lao động. Ông giải thích: “Nó có thể làm giảm nhu cầu lao động thể chất, tiết kiệm thời gian và nhân lực, đồng thời tạo điều kiện cho kể cả những người không có nền tảng về nông nghiệp tham gia sâu hơn lĩnh vực này, chẳng hạn như thế hệ trẻ am hiểu công nghệ”.

Nông nghiệp thông minh có thể giúp đưa nông sản Nhật Bản lên một tầm cao mới trên trường quốc tế, thông qua việc thực hiện sản xuất ổn định quanh năm và giảm sự phụ thuộc lao động chân tay, điều kiện khí hậu. Hiện tại, các công ty chủ động cải tiến như Bell Farm đã đạt được các chứng nhận quốc tế như tiêu chuẩn Global GAP. Điều này chứng tỏ các sản phẩm của họ an toàn, chất lượng cao và đáng tin cậy. 

Ông Yuito Yamada, chuyên gia nông nghiệp của Công ty tư vấn quốc tế McKinsey & Company khẳng định: “Trong tương lai, nông nghiệp Nhật Bản có thể duy trì và phát triển các loại nông sản chất lượng cao thông qua áp dụng kiến thức sinh học, hiểu biết nâng cao về bộ gen cây trồng và tự động hóa canh tác, đồng thời thiết lập và thực hiện các chiến lược tiếp thị và xuất khẩu hiệu quả”.