Nhiều nước châu Phi phát triển chính phủ điện tử

Với mục tiêu trở thành một trong những quốc gia áp dụng mô hình chính phủ điện tử sớm nhất “Lục địa đen”, Ghana đang xúc tiến kế hoạch loại bỏ toàn bộ giấy tờ trong các giao dịch hành chính vào năm 2020.

Một khóa đào tạo về chính phủ điện tử tại Ghana. Ảnh: WB
Một khóa đào tạo về chính phủ điện tử tại Ghana. Ảnh: WB

Kế hoạch trên bao gồm việc đánh dấu và lưu trữ địa chỉ nhà bằng vệ tinh trên phạm vi toàn lãnh thổ, kể cả những căn nhà tạm tại những khu “ổ chuột”. Ngoài ra, những loại giấy tờ liên quan dịch vụ công sẽ được thực hiện qua internet.

Về lợi ích của kế hoạch này, Phó Tổng thống Ghana M.Bawumia cho biết, việc áp dụng mô hình chính phủ điện tử sẽ giúp ngăn chặn nạn “cò mồi” cũng như loại bỏ cơ hội dẫn đến tham nhũng vặt trong quá trình thực thi các dịch vụ công. Bên cạnh đó, chính phủ điện tử sẽ thu hút thêm lao động vào những ngành kinh tế chính thức, qua đó giúp chính phủ quản lý về thuế tốt hơn.

Theo ông Bawumia, Ghana hiện đứng đầu châu Phi về thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh, nhờ nỗ lực phối hợp và liên thông giữa ví điện tử trên thiết bị di động của người dùng, các nhà mạng và hệ thống ngân hàng. Trong hai năm qua, quốc gia Tây Phi 30 triệu dân này cũng thực hiện việc cấp quyền sử dụng đất thông qua công nghệ chuỗi khối (blockchain), qua đó giúp giảm thiểu các tranh chấp về đất đai. Hiện tại, Ghana áp dụng lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại hệ thống bệnh viện trên cả nước. Dự kiến đến năm 2020, toàn bộ trích lục tòa án cũng sẽ được lưu trữ trên hệ thống điện tử của quốc gia.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, việc loại bỏ giấy tờ trong các giao dịch hành chính bằng áp dụng mô hình chính phủ điện tử sẽ giúp Ghana tiết kiệm được hàng chục triệu giờ công lao động mỗi năm, cũng như hàng triệu tấn khí thải ra từ phương tiện nhờ việc giảm hoạt động đi lại của người dân tới các trụ sở công quyền.

Ngoài Ghana, Kenya và Bờ Biển Ngà là những quốc gia đang phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng về chính phủ điện tử và thanh toán điện tử sớm nhất châu Phi. Theo Hiệp hội thông tin di động quốc tế (GSMA), việc áp dụng chính phủ điện tử tại châu lục hơn 1,3 tỷ dân này sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới nhờ số thuê bao di động không ngừng tăng. GSMA dự đoán số thuê bao di động tại châu Phi sẽ tăng từ 460 triệu hiện tại lên 630 triệu vào năm 2025.