Người Sami làm du lịch

Chỉ còn chưa đến 2.000 người sinh sống tập trung chủ yếu ở bán đảo Kola, tỉnh Murmansk của Nga, cộng đồng Sami - một dân tộc bản địa ở Bắc Âu, đang nỗ lực duy trì sự tồn tại của mình. Trong đó, phát triển du lịch gắn với nghề chăn nuôi tuần lộc truyền thống được đánh giá là hướng đi hiệu quả. 

Tuần lộc vây quanh du khách tại làng "Sam Syit".
Tuần lộc vây quanh du khách tại làng "Sam Syit".

Còn khoảng 80.000 người Sami đang sống trải dài trên bốn quốc gia, gồm Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Nga. Trong đó, phần lớn cư trú ở Na Uy, còn lượng nhỏ nhất ở Nga. Đi khoảng hai giờ xuống phía nam từ TP Murmansk, thủ phủ tỉnh cùng tên của Nga, du khách có thể bắt gặp ngôi làng của người Sami mang tên “Sam Syit”, nằm lọt trong rừng thông phủ đầy tuyết. Ngay cổng làng là biểu tượng tuần lộc, nhắc nhở du khách về nghề chăn tuần lộc truyền thống của người Sami.

Một thời gian dài, khi lang thang cùng đàn tuần lộc trên các vùng đất lạnh lẽo không còn được người trẻ Sami lựa chọn, dường như cũng là lúc người Sami ở vùng Murmansk chỉ được nhớ đến vào các ngày lễ trình diễn trang phục truyền thống. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi hơn 10 năm trước, khi ngôi làng “Sam Syit” được thành lập, nơi kết hợp chăn nuôi tuần lộc với du lịch của người Sami. Trưởng làng, ông Ivan Golovin chia sẻ, số tiền thu được trong bốn tháng mùa đông đón khách sẽ bảo đảm cuộc sống cả năm cho làng. Năm 2017, hơn 10.000 khách du lịch đã đến “Sam Syit”, từ Trung Quốc, Thái-lan, Ấn Độ, Australia, châu Âu…

Cách ngôi làng ra đời được kể lại cho du khách tại các tượng gỗ bí ẩn đầu làng. Mỗi cây gỗ hình người cao khoảng bốn mét, được chạm khắc tinh xảo, mang một giá trị riêng như sức khỏe, hạnh phúc hay thành công. Ông Vitaly nhấn mạnh vào hai tượng quan trọng nhất là hạnh phúc và sức khỏe, rồi nói du khách đặt tay lên tượng nghĩ về điều mong ước. “Không ít du khách đã trở lại đây vì có những điều ước thành hiện thực”, ông Vitaly cho hay.

Người Sami làm du lịch -0
Du khách chạm tay vào các tượng gỗ tại làng "Sam Syit" để cầu ước. 

Người Sami giờ đã phấn khởi hơn khi văn hóa của họ ngày càng được biết đến, với bảo tàng văn học Sami, triển lãm sách, đồ gia dụng, hay giao lưu văn hóa. Trong bữa trưa dành cho du khách, người Sami giới thiệu về chữ viết tượng hình của mình, hay chiếc mũ đội đầu đính hạt độc đáo của phụ nữ bản địa. Chiếc mũ báo hiệu tình trạng hôn nhân, có bao nhiêu người con, sống ở đâu và gia đình giàu có cỡ nào. Người Sami có chợ tình, là cơ hội để trai gái gặp gỡ kết duyên. Cô gái chưa chồng có quyền chọn lựa người tốt nhất trong nhiều chàng trai.

“Sam Syit” cũng biết cách lấy lòng du khách, với cách sắp xếp như bảo tàng về cuộc sống của người Sami qua nhiều thế kỷ. Những túp lều hình nón phủ da, với khung bằng thân cây có chóp để hở, làm lỗ thông khói. Trong lều, một bếp củi ở trung tâm để nấu nướng và sưởi ấm trong mùa đông lạnh lẽo. Du khách cũng có thể chụp ảnh trong trang phục Sami sặc sỡ, với chiếc ống quần làm từ da và lông của tuần lộc.

Làng còn một sở thú gồm thỏ, chồn, chó rất thân thiện với du khách. Chúng được huấn luyện để làm bạn với người lạ. Song điểm nhấn là một đàn tuần lộc, mà theo lời người dân, không có chúng thì ngôi làng khó tồn tại. Khi cổng mở ra, những chú tuần lộc cao lớn đổ xô tranh ăn ngay trên tay du khách. Ông Vitaly không chia sẻ có bao nhiêu con tuần lộc trong làng, vì người Sami cho rằng việc tiết lộ các con số có thể mang lại những điều không hay.

Chăn tuần lộc là một trong những công việc khó khăn nhất. Người trẻ Sami tỏ ra ngại ngần khi phải đứng cả ngày ngoài trời băng giá. Vì thế, những thế hệ Sami đi trước đã cố gắng bằng nhiều cách truyền lại công việc này cho con cháu. Họ lo ngại, nếu người trẻ quay lưng thì truyền thống chăn nuôi tuần lộc có thể biến mất, song cũng thừa nhận rằng điều đó đã xảy ra ở nhiều nơi.

Bỏ qua lo lắng, cộng đồng Sami ở “Sam Syit” đã biết cách “hội nhập” để “không biến mất”. Họ xây khách sạn, mua thêm xe gắn máy trượt tuyết. Với họ, nếu không thể tiếp tục chăn tuần lộc, thì ít nhất du lịch quảng bá bản sắc sẽ là cách để cộng đồng tiếp tục tồn tại và phát triển.