Người dân Nga lưu giữ nét đẹp truyền thống

Ấm samovar, loại bình đun nước nóng để pha trà, thành quả nghệ thuật của dân tộc Nga từ thế kỷ 18 đến nay vẫn còn là vật dụng quen thuộc trong đời sống hằng ngày ở “xứ sở bạch dương”. Dù không khó để sở hữu một chiếc samovar điện tiện lợi, song nhiều người Nga vẫn trung thành với ấm samovar truyền thống, bởi những giá trị tinh thần còn được gìn giữ đến tận ngày nay.

Người dân Nga lưu giữ nét đẹp truyền thống

Ấm Samovar truyền thống thường được làm bằng đồng, có ống thẳng đứng ở giữa chứa than hoặc củi đốt cháy để tạo nhiệt đun nước. Ở Nga thời xưa, các gia đình thương gia rất yêu thích uống trà từ samovar. Họ quây quần quanh ấm, thưởng trà và trò chuyện rôm rả. Samovar được xem là biểu tượng cho sự nồng ấm, thịnh vượng trong gia đình và cho lòng hiếu khách của người Nga.

Nhưng trái với niềm tin của nhiều người, theo trang tin Văn hóa của Nga, loại “máy pha trà” (cách gọi samovar của người châu Âu) này lại không phải do người Nga phát minh. Chúng du nhập vào Nga từ Hà Lan, sau một thời gian thì được thay đổi thiết kế, hình thức để phù hợp sở thích và tập quán của người Nga, trước khi có tên là samovar đến tận ngày nay.

Theo tài liệu lịch sử, chiếc samovar đầu tiên của Nga được làm bằng đồng và xuất hiện ở vùng Ural. Nhà máy đầu tiên chuyên sản xuất samovar được khai trương tại thành phố Tula vào năm 1778. Samovar của Nga cũng nổi tiếng với sự đa dạng về chủng loại, với các loại bình có chạm trổ hoa văn, samovar hình quả trứng, có vòi hình cá heo, có tay cầm hình vòng.... Thời đó, khi mà ngày càng nhiều người muốn sở hữu một chiếc samovar thời thượng trong nhà, nhiều nhà máy sản xuất đã mọc lên ở Nga, sử dụng các vật liệu hợp kim kẽm hay bạc để sản xuất. Samovar trở thành vật dụng chính phục vụ tiệc trà.

Củi và gỗ dăm được sử dụng để tạo nhiệt cho samovar. Nhưng với nhiều người, quả thông luôn được coi là nhiên liệu hấp dẫn nhất. Chúng cháy nhanh và mang lại cho trà một hương vị dễ chịu với mùi thơm đặc biệt. Trong thế kỷ 19, các họa sĩ nổi tiếng không chỉ vẽ tranh mà còn tham gia thiết kế samovar. Những chiếc samovar bắt mắt luôn được đặt ở vị trí nổi bật nhất trong phòng, hoặt ở giữa bàn ăn. Theo truyền thống gia đình, các cô con gái nhận samovar từ cha mẹ như của hồi môn và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Ngày nay, việc samovar chạy điện xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị, cửa hàng đã khiến samovar truyền thống “ẩn mình” trong các cửa hàng đồ cổ, chợ trời, hoặc tại các cửa hàng chuyên biệt. Tuy nhiên, samovar cổ vẫn có chỗ đứng nhất định trong nhiều gia đình tại Nga. “Những người sành trà cho rằng, chỉ khi dùng samovar bạn mới có thể có một tách trà thật sự. Nước đun từ samovar “mềm” hơn và ngon hơn so các loại ấm khác. Ngoài ra, samovar cũng giữ nhiệt tốt hơn và an toàn cho sức khỏe, vì vòi được thiết kế cao hơn lớp cặn tích tụ dưới đáy ấm”, Vladimir Dal, một người Nga chia sẻ.

Trong khi đó, Varvara Plyushkina, người có hai chiếc samovar cũ trong nhà, một cái để trang trí, một cái vẫn được sử dụng thường xuyên, nhất là vào mùa đông cho rằng: “Trà từ samovar rất ngon và mang hương vị khác biệt, với mùi thơm của khói, thảo mộc hoang dã và một chút cổ xưa. Hãy tưởng tượng bạn ngồi bên hiên nhà, bên cạnh là chiếc samovar bốc khói, trong tay bạn có một tách trà thơm nóng, phía trước là mặt trời lặn dần trên đường chân trời. Bạn lắng nghe tiếng chim hót, và một làn gió từ tán lá bạch dương thổi qua. Đó thật sự là một cảm giác dễ chịu”.

Varvara Plyushkina cho biết thêm, samovar có thể tạo ra bầu không khí ấm áp đáng ngạc nhiên trong nhà: “Một bầu không khí độc đáo và thân thiện cho các cuộc gặp mặt gia đình, nó gợi lại cho chúng tôi về những truyền thống lâu đời của nước Nga”.