Ngôi làng hai ngôn ngữ của Nigeria

Ở Ubang, một cộng đồng nông nghiệp ở miền nam Nigeria, đàn ông và phụ nữ không nói cùng một thứ ngôn ngữ. Chính quyền và người dân Ubang vẫn đang nỗ lực gìn giữ nét văn hóa độc đáo của riêng mình, trong bối cảnh tiếng Anh ngày càng được giới trẻ trong làng ưa chuộng.

Người Ubang tham gia một lễ hội văn hóa. Ảnh: WORLD NEWS
Người Ubang tham gia một lễ hội văn hóa. Ảnh: WORLD NEWS

Trong những lần có du khách ghé thăm Ubang, trưởng làng thường mặc bộ trang phục truyền thống rực rỡ, đội mũ đỏ và cầm gậy, rồi cho gọi hai đứa nhỏ của làng, gồm một trai và một gái. Chúng luôn háo hức khoe với người lạ những ngôn ngữ khác nhau. Một lần, trưởng làng cầm một củ khoai và hỏi bé gái đây là gì? “Là irui”, cô bé trả lời. Nhưng trong ngôn ngữ của đàn ông, củ khoai, một trong những thực phẩm chính của Ubang lại là “itong”. Còn nhiều thí dụ khác, như “quần áo” thì đàn ông ở Ubang gọi là “nki” còn phụ nữ gọi là “ariga”.

Sau thời gian tìm hiểu, các chuyên gia cho rằng, không có tỷ lệ chính xác về các từ khác nhau trong hai loại ngôn ngữ của Ubang, và cũng không có đáp án nào cho câu hỏi: liệu những từ ngữ thông thường có liên quan gì đến vai trò truyền thống của đàn ông hay phụ nữ. Nhà nhân chủng học Chi Chi Undie, người có nhiều nghiên cứu về Ubang cho biết, có nhiều từ mà cả nam và nữ đều dùng, song cũng không ít từ hoàn toàn khác nhau tùy thuộc giới tính. Chúng khác nhau cả về phát âm, cả về cách viết.

Tuy nhiên, dù nói hai thứ ngôn ngữ không giống nhau, cả nam và nữ tại Ubang đều hiểu nhau một cách hoàn hảo. Điều này có thể là vì trong quá trình lớn lên, các cậu con trai nói ngôn ngữ của con gái, sau khi dành phần lớn thời thơ ấu của mình bên cạnh mẹ và những người phụ nữ khác. Đến tầm 10 tuổi, con trai sẽ dùng ngôn ngữ đàn ông. Một lần, trưởng làng Oliver Ibang giải thích với du khách rằng, đến một độ tuổi, nam giới tự phát hiện mình đang không sử dụng thứ ngôn ngữ “chính đáng” của mình. Và khi anh ấy bắt đầu chuyển sang ngôn ngữ đàn ông, dân làng biết rằng cậu ấy đã trưởng thành. Còn không, điều đó được xem là bất thường.

Có nhiều lý giải khác nhau về cách sử dụng từ ngữ theo giới ở Ubang. Nhưng phần lớn, cộng đồng tin vào kinh thánh. Trưởng làng Oliver Ibang từng nói, Chúa có kế hoạch cung cấp cho mỗi dân tộc hai ngôn ngữ, nhưng sau khi “trao quà” cho Ubang, Ngài nhận ra rằng không có đủ ngôn ngữ cho khắp thế giới. Vì vậy, Chúa dừng lại. Và đó là lý do tại sao Ubang có hai ngôn ngữ riêng và người dân coi đó là phước lành.

Người Ubang luôn tự hào về những khác biệt độc đáo trong ngôn ngữ của chính mình. Tuy vậy, ngày càng có nhiều lo ngại về tương lai của các giá trị truyền thống. Lý do là hai loại ngôn ngữ ở Ubang không được tổng hợp và viết ra một cách có hệ thống, do đó tương lai của chúng phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Nhưng đáng tiếc, ngày càng ít bạn trẻ có thể nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ một cách trôi chảy.

Steven Ochui, một giáo viên trung học lo lắng rằng, nhiều học sinh tại Ubang hiện nay rất khó diễn đạt ý mình bằng ngôn ngữ mẹ đẻ thuần túy. Chúng thường trộn vài từ tiếng Anh. Điều này cũng dễ hiểu, vì tại nhiều ngôi trường ở Ubang, tiếng Anh được đưa vào giảng dạy song song ngôn ngữ bản địa. Ông Ochui nhiều lần bày tỏ quan ngại về hậu quả của việc phớt lờ tiếng mẹ đẻ, thay vào đó, lại khuyến khích sinh viên nói tiếng Anh.

Để bảo tồn các giá trị ngôn ngữ, nhiều giáo viên tại Ubang đã kêu gọi triển khai các giải pháp một cách mạnh mẽ, trong đó có việc xuất bản sách giáo khoa bằng tiếng Ubang, thậm chí là tiểu thuyết và phim ảnh. Trong khi đó, cộng đồng mong muốn xây dựng không chỉ trung tâm ngôn ngữ tại Ubang, mà còn thúc đẩy các cơ sở du lịch, nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa bản địa ra thế giới.

Hiệp hội ngôn ngữ Nigeria cho biết, 50 trong số 500 ngôn ngữ của quốc gia này có thể biến mất trong thời gian tới, nếu các biện pháp bảo tồn không được thực hiện. Việc các ngôn ngữ bản địa của Nigeria được triển khai giảng dạy rộng hơn nữa trong các trường học là một phần của chính sách quốc gia về giáo dục, nhằm đề cao tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa, cũng như thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc.