Nét văn hóa đáng tôn trọng của “xứ Phù Tang”

Hình ảnh các sinh viên, học sinh Nhật Bản dọn dẹp sạch sẽ lớp học trước khi ra về, hay cảnh tượng nhiều ngôi nhà dù tràn ngập trong nước lũ vẫn không thể tìm thấy một cọng rác trôi nổi… là minh chứng rõ ràng cho nét văn hóa “sạch sẽ” của “đất nước mặt trời mọc”, được duy trì từ nhiều thế kỷ qua.

Học sinh, sinh viên Nhật Bản thường xuyên tham gia dọn vệ sinh công cộng. Ảnh: WN
Học sinh, sinh viên Nhật Bản thường xuyên tham gia dọn vệ sinh công cộng. Ảnh: WN

Hầu hết khách du lịch lần đầu đến Nhật Bản đều ấn tượng với sự sạch sẽ của đất nước này. Du khách hiếm khi nhìn thấy thùng rác, nhân viên vệ sinh hay máy quét rác trên đường phố. Điều này khiến nhiều người tự hỏi, vậy người Nhật Bản đã làm thế nào để đường phố sạch sẽ như vậy? Câu trả lời chính là do ý thức giữ gìn vệ sinh của từng người dân.

Cô Maiko Awane, trợ lý Giám đốc Văn phòng chính quyền tỉnh Hiroshima cho biết: “Trong 12 năm trên ghế nhà trường, thời gian dọn dẹp vệ sinh là một phần bắt buộc của tất cả học sinh. Trong cuộc sống gia đình, chúng tôi cũng có thói quen dọn dẹp sạch sẽ. Cha mẹ dạy chúng tôi về tác hại nếu chúng tôi không giữ cho mọi thứ chung quanh sạch sẽ”. Đương nhiên chẳng ai muốn làm mất vệ sinh hay xả rác trong ngôi trường mà chính họ phải tự dọn dẹp. Bởi vậy, việc rèn luyện yếu tố ý thức xã hội này trong chương trình giảng dạy ở trường giúp các em học sinh phát triển nhận thức về tự bảo vệ môi trường chung quanh. Khi các học sinh lớn lên, thói quen sạch sẽ đã vượt ra ngoài khuôn khổ lớp học. Nó trở thành ý thức chung cho toàn khu phố, thành phố và đất nước.

Trong hồi ký của mình, thủy thủ Will Adams, một trong những người Anh đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản năm 1600 đã phải kinh ngạc khi chứng kiến sự sạch sẽ của người dân “đất nước hoa anh đào”. Trước hết, việc giữ vệ sinh tại Nhật Bản hình thành sớm như vậy là do những điều kiện tự nhiên. Trong một môi trường nóng ẩm, thức ăn sẽ hỏng nhanh chóng do vi khuẩn phát triển mạnh. Bởi vậy, vệ sinh tốt đồng nghĩa với việc đem lại sức khỏe tốt. Thêm vào đó, ý thức sạch sẽ là một phần trung tâm của Phật giáo, một trong các tôn giáo lớn ở Nhật Bản.

Trong quy định của Phật giáo, du nhập vào nước này từ thế kỷ 12 và 13, các công việc hằng ngày như dọn dẹp và nấu ăn được coi là các bài tập về tâm linh, không khác thiền định. “Việc rửa sạch bụi bẩn cả về thể chất và tinh thần đóng một vai trò quan trọng trong thực hành tín ngưỡng hằng ngày”, thầy tu Eriko Kuwagaki tại đền Shinshoji của thành phố Fukuyama, thuộc tỉnh Hiroshima cho biết. Ngoài ra, rất lâu trước khi Phật giáo xuất hiện tại nước này, Thần đạo - tôn giáo được cho là lưu giữ linh hồn của bản sắc Nhật Bản cũng coi sự sạch sẽ là điều hết sức quan trọng.

Thừa hưởng cái nôi văn hóa như vậy nên danh tiếng về sự sạch sẽ của người Nhật Bản đã nhiều lần gây ấn tượng trong mắt bạn bè thế giới. Trong các Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) tại Brazil năm 2014 và Nga năm 2018, các cổ động viên Nhật Bản đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi ra về sau cùng để nhặt rác tại sân vận động. Các cầu thủ cũng rời phòng thay đồ chỉ khi dọn dẹp hết sức sạch sẽ. Những cảnh tương tự diễn ra tại các sự kiện, lễ hội quốc tế tổ chức ở Nhật Bản. Trong sự kiện hằng năm Fuji Rock, lễ hội âm nhạc lớn và lâu đời nhất Nhật Bản, hầu hết người tham dự đều tuân thủ yêu cầu bỏ rác đúng nơi quy định. “Người Nhật Bản không muốn người khác nghĩ rằng mình là những người thiếu sự giáo dục về việc giữ gìn vệ sinh”, cô Awane nói.

Trong cuộc sống hằng ngày, người dân Nhật Bản luôn ý thức giữ gìn vệ sinh không chỉ trong ngôi nhà mình. Khoảng 8 giờ sáng, nhân viên văn phòng và nhân viên cửa hàng dọn dẹp đường phố chung quanh nơi làm việc; trẻ em tham gia dọn dẹp tình nguyện cho cộng đồng như nhặt rác trên đường phố gần trường học; các khu phố thường tổ chức các sự kiện vệ sinh và sau đó mọi người mang rác về nhà để chờ xe môi trường tới thu gom. Nguồn ô nhiễm khó nhìn bằng mắt thường như vi trùng, vi khuẩn cũng là mối quan tâm của người Nhật Bản. Khi một người bị cảm lạnh hoặc cúm, họ luôn đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác. Hành động đơn giản này góp phần giảm sự lây lan của virus, bảo đảm an toàn sức khỏe y tế cho cộng đồng.