“Mái nhà” của thợ thủ công Ai Cập

Trong lịch sử, Thủ đô Cairo của Ai Cập đã trải qua các thời đại nối tiếp nhau, để lại nhiều di sản văn hóa, nghệ thuật và kiến ​​trúc Hồi giáo, làm nền tảng cho một đô thị phát triển. Trong số những di sản đó, phải kể tới “khu phố bách nghệ” al-Darb al-Ahmar, một trong những địa điểm lịch sử quan trọng và là “mái nhà” của hàng nghìn nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống Ai Cập.

Một người thợ dệt vải truyền thống. Ảnh: THE GUARDIAN
Một người thợ dệt vải truyền thống. Ảnh: THE GUARDIAN

Là một trong những khu phố cổ nhất gắn liền với lịch sử Thủ đô Cairo, al-Darb al-Ahmar vẫn giữ lại hoàn toàn kiến trúc cổ, những con hẻm nhỏ hẹp và quanh co, rải rác chung quanh nhiều nhà thờ Hồi giáo thời Trung cổ, tạo cho du khách cảm giác trở lại không gian của quá khứ và một lối sống truyền thống. Hiện có khoảng 350.000 người sinh sống trong những ngôi nhà cổ được xây từ thời triều đại Mamluk (từ năm 1250 đến 1517), hay những khu phố thương mại mang phong cách kiến trúc thời Ottoman…

Ước tính, có tới hơn 1.000 xưởng thủ công nằm dọc theo các con phố của khu al-Darb al-Ahmar. Tại đây có rất nhiều nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, từ làm đèn lồng bằng đồng, hàng dệt nhiều mầu sắc, cho tới đồ thủy tinh, thảm lụa, đồ nội thất khảm xà cừ… Điểm đặc biệt là các mẫu thiết kế cho những đồ thủ công này luôn mang nét đặc trưng văn hóa riêng của Thủ đô Cairo. Đây là thành quả sáng tạo đòi hỏi tay nghề cao và sức lao động đáng kinh ngạc của nhiều thế hệ nghệ nhân địa phương.

Một thợ dệt có tên Hasan cho biết: “Nghề truyền thống của gia đình tôi là “al-khayyamiya” (còn gọi là nghề chế tạo lều) có nguồn gốc từ thời các vua Pharaoh. Tại đây còn có không ít nghệ nhân khác xuất thân từ các gia đình sản xuất “kiswa”, loại vải phủ trên tảng đá đen linh thiêng ở Thánh địa Hồi giáo Mecca. Họ cũng là người tạo ra lều, vải và yên ngựa cho những người hành hương”. Trong những xưởng dệt vải ở khu Manshiyat Naser, những người thợ vẫn làm theo phong cách cổ xưa. Họ ngồi trên một chiếc ghế thấp, đối diện với khung dệt thẳng đứng và một bản vẽ thiết kế có những họa tiết của thời Mamluk hoặc đế chế Ottoman. Thông thường, hai người thợ phải mất sáu tháng mới hoàn thành được tấm thảm lụa dài hơn 2 m.

Trước sức ép của thời kỳ kinh tế mở cửa, nhiều thợ thủ công vẫn kiên trì bám trụ với nghề để duy trì di sản văn hóa lịch sử của cha ông. Bên trong xưởng đóng sách gần nhà thờ Hồi giáo al-Azhar, người thợ cả Aslam và đồng nghiệp của ông đều đặn đóng hơn 150 cuốn sách mỗi ngày. Những cuốn sách này chủ yếu liên quan các đề tài tôn giáo và lịch sử, như kinh Koran của đạo Hồi, hay những bản sao cuốn sách cổ về Alexander Đại đế của Macedonia, lần đầu được sản xuất trên giấy cói vào năm 330 trước Công nguyên…

Tuy nhiên, những yếu tố bất ổn chính trị và kinh tế trong nước vẫn khiến tương lai của nhiều nghề thủ công bị đe dọa. Số lượng khách du lịch đến Ai Cập giảm một nửa kể từ năm 2011. Trong khi đó, chi phí cho các nguyên liệu thô như gỗ và đồng thau đã tăng lên. Nếu thị trường tiêu thụ và nguồn khách du lịch tiếp tục có chiều hướng đi xuống, nhiều khả năng những nghề thủ công này sẽ mai một hoàn toàn khi các thế hệ sau không thể tiếp nối. Ông Mohamed, người thợ cao tuổi trong một gia đình ba thế hệ làm đèn lồng bằng đồng cho biết: “Hiện là thời điểm rất khó khăn với chúng tôi, vì giá nguyên liệu thô đã tăng nhưng số lượng khách du lịch, những khách hàng chủ yếu, lại sụt giảm mạnh”. Bên trong xưởng của ông, nhiều chiếc đèn lồng bằng đồng và sắt đã hoàn thành vẫn nằm chất đống trên kệ.

Thời gian gần đây, Chính phủ Ai Cập đã có nhiều hỗ trợ nhằm khuyến khích du lịch phát triển trở lại. Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ cũng đóng một vai trò quan trọng, tiêu biểu nhất là hoạt động của Mạng lưới phát triển Aga Khan (AKDN), một tổ chức có tâm huyết với nghề truyền thống, không chỉ hỗ trợ phúc lợi cho các nghệ nhân mà còn tu bổ lại nhiều di tích tại al-Darb al-Ahmar như nhà thờ Hồi giáo Aqsunqur và khu nghĩa trang phức hợp Amir Khayrbak…