Lễ hội tiễn mùa đông ở xứ Bạch Dương

Mùa xuân là mùa của những lễ hội đầu năm, nơi gửi gắm mong ước của người làm nông về một vụ mùa mới với mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Tại Nga, cứ đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 hằng năm, người dân lại háo hức chuẩn bị cho một trong những dịp lễ quan trọng nhất trong năm, đó là Tuần lễ Maslenitsa.

Những món bánh truyền thống trong lễ hội Maslenitsa. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Những món bánh truyền thống trong lễ hội Maslenitsa. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Theo RIA Novosti, Maslenitsa hay Lễ tiễn đưa mùa đông là ngày lễ dân gian lâu đời của Nga. Ban đầu, Maslenitsa là ngày lễ riêng của người vô thần dành để tôn vinh thần Mặt trời Yarila hay thần gia súc Veles. Thời xưa, các lễ hội thường được tổ chức vào những thời điểm giao mùa, thể hiện nhận thức của người dân về những thay đổi của tiết trời trong năm. Maslenitsa cũng là một trong số đó. Ngày này, người Nga trên khắp cả nước lại vui mừng tổ chức các hoạt động vui chơi, rộn ràng tiễn mùa đông lạnh giá và chào đón mùa xuân ấm áp với ngập tràn hy vọng, vì vậy mà lễ hội luôn có sự hiện diện của lửa. Người dân nhóm những đống lửa, đốt bánh xe lửa và hình nộm rơm. Âm thanh và ánh sáng của lửa tượng trưng cho ánh sáng mặt trời sẽ ngự trị, xoa tan giá lạnh, băng tuyết của mùa đông.

Bánh blin, món ăn đặc trưng của người Nga và được xem là “linh hồn” trong nghi lễ tiễn đưa mùa đông. Món bánh có hình tròn và mầu sắc ấm áp, tượng trưng cho mặt trời. Không chỉ dùng làm lễ vật để dâng lên thần linh và cầu nguyện cho mùa màng no đủ, sức khỏe và hạnh phúc, bánh blin còn là món ăn phổ biến nhất suốt một tuần của lễ hội.

Tuần lễ Maslenitsa kéo dài từ thứ hai đến chủ nhật. Mỗi ngày trong tuần đều có tên gọi riêng và chứa đựng ý nghĩa sâu sắc với những nghi lễ bắt buộc. Thứ hai là ngày gặp gỡ nên khi chuẩn bị xong các trò giải trí, người dân đến chơi nhà nhau, làm những chiếc bánh blin đầu tiên của Tuần lễ Maslenitsa. Theo tục lệ, chiếc bánh đầu tiên được dành cho những người nghèo để tưởng nhớ linh hồn những người đã khuất.

Thứ ba là ngày mai mối. Ở các vùng nông thôn, người Nga thường tổ chức sắp đặt hôn lễ cho cô dâu. Thứ tư là ngày của mẹ vợ. Vào ngày này, mẹ vợ sẽ làm bánh blin để thiết đãi con rể. Bữa tiệc càng đầy đủ thì chứng tỏ mẹ vợ càng ưu ái con rể. Thứ năm là ngày vui chơi với những bài hát, điệu múa và các trò chơi như nhảy vòng, hát, trượt tuyết từ trên đồi, nhảy qua đống lửa... và đặc biệt là trò chơi đánh chiếm thành phố tuyết. Trẻ em và người lớn xây một pháo đài tuyết rồi chia thành hai đội gồm bộ binh và kỵ binh. Bộ binh bảo vệ pháo đài, trong khi kỵ binh phải cố gắng phá hủy nó. Thứ sáu là ngày của mẹ chồng. Mẹ của cô dâu sẽ đến thăm nhà chú rể và mẹ chồng sẽ thết đãi thông gia bằng những món ăn đặc trưng trong Tuần lễ Maslenitsa. Mẹ vợ không đi một mình mà đi cùng một người bạn gái để có thể khoe con rể với họ.

Thứ bảy là ngày tụ họp chị dâu, em chồng. Cô dâu trẻ mời họ hàng nhà chồng, trước hết là chị dâu đến thăm nhà. Chủ nhật là ngày tiễn đưa. Người dân bắt đầu chuẩn bị cho Mùa chay lớn và tưởng nhớ những người đã khuất. Đồ ăn thức uống phải được sử dụng hết, những gì còn sót lại phải mang đi đốt. Lễ tiễn mùa đông khép lại với việc người dân long trọng đốt hình nộm người rơm Maslenitsa và phần tro được rải trên các cánh đồng để cầu mong vụ mùa năm tới sẽ bội thu.

Lễ hội tiễn mùa đông ở xứ Bạch Dương -0
Đốt hình nộm người rơm Maslenitsa. Ảnh: MOSCOWTOURS 

Tổ chức Tuần lễ Maslenitsa với nhiều nghi thức độc đáo, người Nga gửi gắm hy vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc và ấm no. Cũng giống như ở Việt Nam, dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, nhưng những giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống luôn có sức sống mãnh liệt trong lòng mỗi người dân Nga.