Lễ hội dân gian đặc sắc của người Tatar

Đã thành thông lệ, cứ trung tuần tháng 12 hằng năm, tại làng Tyuryushevo vùng Buzdyaksky thuộc CH Bashkortostan (Nga) lại diễn ra lễ hội dân gian truyền thống mang tên “Lông ngỗng”. Đây là hoạt động chuẩn bị thịt cho mùa đông của người Tatar, là nét văn hóa đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân từ xa xưa.

Những người phụ nữ Tatar đang vặt lông ngỗng trong lễ hội. Ảnh: AIF.RU
Những người phụ nữ Tatar đang vặt lông ngỗng trong lễ hội. Ảnh: AIF.RU

Năm nay, ngày lễ đặc biệt này được Trung tâm Văn hóa và lịch sử Tatar của làng đứng ra tổ chức trong khuôn viên điền trang của bà Farida Dinikeeva, một người dân Tatar sống tại địa phương. Do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nên số lượng người tham dự sự kiện năm nay cũng ở mức giới hạn.

Theo truyền thống, khi thời tiết bắt đầu lạnh giá và tuyết phủ trắng các ngôi làng của người Tatar, dân làng bắt đầu tổ chức sự kiện quan trọng mang tên “Lông ngỗng”. Để chế biến ngỗng nhanh hơn, tạo bầu không khí vui vẻ, chủ nhà thường mời người thân, bạn bè, hàng xóm qua nhà giúp. Lễ hội này không chỉ là nơi để xây dựng các mối quan hệ mới phục vụ sự nghiệp kinh doanh, mà còn là nơi các chàng trai, cô gái có thể tìm kiếm cho mình người bạn đời. Người Tatar quan niệm rằng, lễ hội cũng chính là trường học giúp các cô gái rèn luyện nữ công gia chánh để sau này về nhà chồng có thể chế biến được các món ăn ngon. Vì vậy, họ luôn giữ gìn và trân trọng truyền thống này của cha ông.

Nơi tổ chức lễ hội năm nay được trang trí hết sức sặc sỡ, với các áp-phích treo bên trên, còn dưới sàn trải những tấm thảm đẹp đa mầu sắc do những người phụ nữ Tatar tự tay thêu dệt. Theo phong tục, buổi sáng, nữ chủ nhà phải dậy sớm để chuẩn bị các loại bánh mang đặc trưng của người Tatar như Qistibi, chack-chack… và trà thơm để đãi khách. Chính vì vậy, ngay từ khâu lựa chọn địa điểm tổ chức sự kiện, người Tatar cũng phải cân nhắc kỹ, luôn ưu tiên gia đình có nữ chủ nhà là một trong những “bậc thầy ẩm thực” của vùng Buzdyaksky. Lễ hội được tổ chức trên sân ngoài trời, phụ nữ cùng nhau thể hiện các bài hát vui nhộn và vũ điệu Tatar cháy bỏng. Không khí của lễ hội trở nên náo nhiệt và vui vẻ hơn khi tiếng phong cầm vang lên.

Phần quan trọng nhất của lễ hội là khi mọi người cùng đi ra bờ sông, thực hiện nghi thức rửa thịt ngỗng trong nước. Treo thịt ngỗng trên đòn gánh, những người phụ nữ lần lượt di chuyển ra sông để nhúng những con ngỗng trong nước lạnh, sau đó treo chúng trong lán sau nhà tẩm muối để phơi khô. Những cô gái chưa chồng đi phía trước, hát những câu hát truyền thống, ném lông ngỗng xuống đường kèm theo lời chúc thịnh vượng, cầu mong sự may mắn cho gia đình gia chủ. Tất cả cùng vui vẻ hát theo tiếng đàn của người chơi phong cầm. Xong việc, những người tham gia và khách mời tập trung tại bàn ăn, cùng nhau thưởng thức thịt ngỗng và say sưa hát những bài dân ca, bài hát vui nhộn.

Trưởng đại diện chi nhánh “Ngôi nhà hữu nghị dân tộc CH Bashkortostan”, bà Guzel Gaugarova chia sẻ: “Ngỗng được coi là loài gia cầm đầu tiên được con người thuần hóa. Bút lông làm từ lông ngỗng là nguyên mẫu của bút viết hiện đại. Các bà nội trợ khi nướng bánh hay thịt ngỗng thường dùng chổi quét mật bằng lông cánh ngỗng. Một năm trước đám cưới của con cái, bố mẹ thường chế biến, sau đó muối và sấy khô ngỗng để chuẩn bị cho tiệc cưới. Mỡ ngỗng được bảo quản dùng để bôi chống lại tê cóng tay chân và ăn mỡ ngỗng có thể giúp chữa cảm lạnh”. 

Theo lời bà Guzel Gaugarova, mục đích chính của lễ hội truyền thống “Lông ngỗng” không phải chuẩn bị thực phẩm mà là tăng cường giao tiếp giữa mọi người và kết nối giữa các thế hệ, khơi dậy tình yêu lao động trong tâm hồn mỗi người. Ngoài ra, người Tatar còn sử dụng lông ngỗng để làm gối và chăn dùng làm của hồi môn cho cô dâu.