Làng nghề “tò he” truyền thống ở Nga

Nhắc đến ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống ở Nga, chắc hẳn ai cũng biết những sản phẩm mang tính biểu tượng, đặc trưng nhất của “xứ sở bạch dương” như tranh gỗ Khokhloma, đàn Balalaika hay búp bê Matryoshka... Nhưng không phải ai cũng biết, ở nước Nga xa xôi cũng có một làng nghề nặn đồ chơi trẻ em, tương tự như tò he của Việt Nam, chỉ khác là được làm bằng đất sét. Đó là làng nghề đất nặn Khludnevo thuộc vùng Dominichsky, tỉnh Kaluga, phía tây nam nước Nga.

Đồ chơi đất sét Khludnev tại triển lãm cùng tên năm 2020. Ảnh: CULTURE.RU
Đồ chơi đất sét Khludnev tại triển lãm cùng tên năm 2020. Ảnh: CULTURE.RU

Từ thế kỷ 19, người dân làng Khludnevo bắt đầu nặn những đồ chơi nhỏ bằng đất sét để bán ở các chợ quê hay hội chợ. Từ đó, người ta đã lấy tên làng để đặt cho món đồ chơi độc đáo này. Thời đó, các hội chợ ở nông thôn và thành phố vừa là nơi mua bán đủ mọi hàng hóa, vừa là nơi vui chơi với nhiều trò giải trí khác nhau, các quảng trường, hội chợ tràn ngập âm thanh từ những đứa trẻ thổi chiếc còi đồ chơi với đủ mọi hình thù. Trẻ em đặc biệt thích thú với khu vực đồ chơi đất sét tạo hình các con vật dê, gà trống, ngựa hay các nhân vật trong truyện cổ tích. 

Ở làng Khludnevo, làm đồ chơi đất sét là nghề phụ bên cạnh nghề chính là sản xuất đồ gốm. Trong các gia đình ở đây, đàn ông là những người lao động chính, làm các công việc như khai thác, xử lý đất sét và từ đó tạo ra nhiều loại bình, lọ bằng sứ khác nhau. Còn phụ nữ, ngoài nghĩa vụ chính là chăm sóc mái ấm gia đình, họ nặn những bức tượng nhỏ bằng đất sét theo nhiều dạng khác nhau, từ đồ thờ cúng, bùa hộ mệnh đến đồ chơi...

Mặc dù gắn liền với nghề sản xuất gốm, nhưng trước đây, đồ chơi đất sét vùng Kaluga không được coi là vật thể sáng tạo nghệ thuật, nên không được trưng bày tại các cuộc triển lãm đồ chơi đầu tiên ở Nga vào các năm 1890 và 1909. Tuy vậy, công việc chế tác món đồ chơi này vẫn được duy trì và ngày càng phổ biến. Kiến thức và kỹ năng để tạo ra một món đồ chơi Khludnevo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong thời kỳ chiến tranh, việc sản xuất đồ chơi bị ngừng lại. Những người đàn ông phải rời quê hương ra mặt trận chiến đấu, vợ con họ và người già ở lại cáng đáng mọi công việc trong nhà.

Vào giữa thế kỷ 20, nghề thủ công Khludnevo nổi tiếng khắp đất nước qua một loạt các bài báo viết về món đồ chơi độc đáo từ đất sét này. Theo thời gian, các tuyến vận tải và hoạt động buôn bán phát triển rộng khắp. Đồ chơi Khludnevo ngày càng được lan rộng, có mặt ở nhiều vùng xa xôi. Việc nghiên cứu về nguồn gốc, lịch sử và văn hóa bắt đầu được chú trọng. Cuối những năm 60 của thế kỷ 20, một ủy ban nghệ thuật dân gian đã được thành lập nhằm bảo tồn và duy trì nghệ thuật tạo hình của làng. Năm 1970, lần đầu đồ chơi của Khludnevo được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Khludnevo, nơi chúng được trao bằng danh dự từ tạp chí Nghệ thuật trang trí. Sau đó, sản phẩm đất sét này được nghiên cứu chi tiết bởi các nhà phê bình nghệ thuật, có mặt trong nhiều cuộc triển lãm, trưng bày khác nhau. Lịch sử của đồ chơi Khludnevo được miêu tả trong nhiều tác phẩm văn học, các bài báo và công trình khoa học khác.

Ngày nay, đồ chơi đất nặn Khludnevo tiếp tục có mặt ở các cuộc triển lãm, thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là trẻ em. Đến với triển lãm, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng các sản phẩm mà còn làm quen với lịch sử của nghề thủ công này, những đặc thù của nghề làm đồ chơi. Họ bị thuyết phục bởi sự đơn giản đến ngây thơ, sự bình dị, những nét thô ráp của tạo hình các nhân vật. Ở nhiều thành phố trên khắp nước Nga, các xưởng thủ công nhỏ được mở ra thu hút nhiều bậc phụ huynh đưa trẻ đến khám phá, học tập và tự tay tạo ra các sản phẩm đất sét.

Câu chuyện về làng nghề Khludnevo cho thấy, cũng như nhiều nghề thủ công khác, nghề nặn đồ chơi đất sét trải qua những thay đổi gắn liền với thăng trầm của lịch sử. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, nghề truyền thống luôn được gìn giữ cẩn trọng bởi những nghệ nhân dân gian. Cũng như ở Việt Nam, đằng sau mỗi chiếc “tò he đất sét” ở Nga là những giá trị văn hóa dân gian cần được lưu giữ và truyền tải đến các thế hệ tương lai.