Kinh nghiệm của Nhật Bản giải quyết bài toán chỗ đỗ xe

Dạo quanh nhiều đường phố, con ngõ của Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) có thể cảm nhận quy hoạch đỗ xe ở nơi đây ngăn nắp, ô-tô đỗ gọn gàng trong các garage gia đình hay những bãi đỗ theo quy định, không có cảnh xe đỗ dưới lòng đường qua đêm.

Một bãi đỗ xe tính tiền tự động theo thời gian đỗ tại Tokyo.
Một bãi đỗ xe tính tiền tự động theo thời gian đỗ tại Tokyo.

Kỳ 1: Hai chính sách quản lý đỗ xe hiệu quả

Cấp chứng chỉ về chỗ đỗ xe

Đó là hiện tại, chứ cách đây mấy chục năm, trong thời gian phát triển “thần kỳ” ở “đất nước mặt trời mọc”, lượng ô-tô sở hữu cá nhân tăng nhanh, Tokyo với tốc độ đô thị hóa chóng mặt cũng từng phải chịu cảnh xe bốn bánh đỗ lộn xộn trên các con phố như tại nhiều vùng đô thị ở một số nước châu Á hiện nay.

Ông Muranaka Shunji, Phó Trưởng phòng Quy định Giao thông (Cục Giao thông, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản) cho biết, lượng ô-tô tại Nhật Bản đã tăng nhanh, từ 140.000 chiếc vào năm 1945 lên 4,9 triệu xe vào năm 1962. Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ở Tokyo thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường. Tai nạn giao thông cũng là vấn đề nghiêm trọng.

Theo số liệu của Cục Thống kê thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, dân số tại Tokyo tăng nhanh, từ hơn 8 triệu người vào năm 1955 lên gần 9,7 triệu người vào năm 1960, trong đó hơn 8,7 triệu người tập trung sinh sống tại những quận trung tâm trên diện tích chỉ 537 km2. Dân số ở Thủ đô tăng nhanh kéo theo lượng xe ô-tô sở hữu cá nhân cũng tăng mạnh.

“Trong bối cảnh đó, vào năm 1962, quy định đăng ký xe ô-tô cá nhân phải chứng minh có chỗ đỗ cố định được ban hành tại Nhật Bản, lúc đầu chỉ áp dụng tại hai thành phố lớn là Tokyo và Osaka”, ông Muranaka Shunji cho biết. Theo quy định này, muốn đăng ký xe ô-tô mới hoặc khi đã được cấp đăng ký nhưng người sở hữu xe thay đổi địa chỉ nơi ở, người này phải hoàn tất thủ tục để được cảnh sát địa phương cấp “chứng chỉ về nơi đỗ xe cố định”. Chỗ đỗ cố định phải nằm trong phạm vi 2 km tính từ nhà của chủ sở hữu xe, và không phải là điểm đỗ ô-tô trên đường phố hay lối đi ngõ ngách công cộng. Khi chủ xe cung cấp thông tin về chỗ đỗ xe, cảnh sát địa phương sẽ tới chỗ đỗ xe đó để kiểm tra trước khi cấp chứng chỉ về nơi đỗ xe.

Theo ông Muranaka, việc áp dụng quy định này dần được mở rộng ra các địa phương khác tại Nhật Bản, và đến nay nó có hiệu lực trên 90% tổng diện tích của nước Nhật. Quy định này ra đời đã khiến chủ xe phải chịu trách nhiệm về việc đỗ xe và không thể bào chữa cho hành vi đỗ xe sai trái trên đường phố. Trước đó, việc bảo đảm có chỗ đỗ xe thường được coi chỉ thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và các nhà kinh doanh phát triển bất động sản.

Tuy nhiên, quy định này chỉ thật sự phát huy được hiệu quả nhờ có quy định cấm đỗ xe qua đêm, cũng được ban hành vào năm 1962. Theo đó, ô-tô không được phép đỗ trên đường phố quá tám giờ đồng hồ vào ban đêm tính từ lúc mặt trời lặn, tức là chỉ được đỗ đến khoảng 3 giờ sáng.

Hiện nay, hầu hết đường phố ở khu vực trung tâm Tokyo đều cấm đỗ xe cả ngày lẫn đêm. Theo ông Muranaka, chỉ có một số tuyến phố có những điểm đỗ xe tạm thời, sát lề đường, nhưng đó phải là những vị trí đã được chính quyền địa phương xác định là quanh đó gần như không có bãi đỗ xe cố định, và thời gian cho một lần đỗ tại những chỗ đỗ xe này chỉ là 40 phút hoặc 60 phút. Tại những chỗ đỗ này, lái xe cũng phải tuân thủ quy định không được đỗ xe qua đêm.

Quy định cấm đỗ xe qua đêm trên đường phố cùng với quy định chủ xe phải có chỗ đỗ xe cố định đã trở thành hai chính sách trong quản lý việc đỗ xe tại Tokyo, hỗ trợ, bổ sung cho nhau để mang lại hiệu quả trong việc thực thi. Bởi nếu có gian lận, tham nhũng để có được chứng chỉ về nơi đỗ xe cố định, thì chủ xe sẽ “giấu” ô-tô của họ ở đâu vào ban đêm. Quy định chủ xe phải có chỗ đỗ xe cố định đã giúp cho việc thực thi luật cấm đỗ xe qua đêm trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nó có nghĩa là chủ xe không còn lý do gì để đôi co, biện minh cho việc đỗ xe bất hợp pháp trên đường phố. Bởi nếu không có chỗ đỗ ô-tô cố định, có nghĩa là chủ xe đã gian lận để có được chứng chỉ và như thế sẽ bị phạt nặng hơn.

Chỉ có thực thi nghiêm hai quy định này mới mang lại được hiệu quả cao trong việc quản lý đỗ xe trên đường phố. “Không có cách gì để đạt được việc đỗ xe trật tự và hiệu quả trên đường phố, ngoại trừ qua việc quản lý hiệu quả việc đỗ xe. Điều này là hết sức quan trọng bởi lo ngại về tình trạng đỗ xe bừa bãi, cản trở giao thông trên đường phố là mối quan tâm lớn trong việc hoạch định chính sách quản lý đỗ xe”, chuyên gia giao thông, TS Paul Barter đã khẳng định như vậy trong cuốn “Chính sách đỗ xe của các thành phố châu Á” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xuất bản năm 2011.

Cho phép tư nhân tham gia quản lý

Việc xây dựng thật nhiều bãi đỗ xe cũng không thể “hút” ô-tô đỗ bừa bãi, trái quy định ra khỏi các con phố, vì những người lái xe sẽ vẫn đỗ ở những nơi tiện lợi nhất cho họ, miễn là hậu quả và chi phí là tối thiểu.

Để thực thi hiệu quả việc cấm đỗ xe qua đêm trên đường phố, Nhật Bản cho phép các công ty tư nhân tham gia hoạt động này. Ông Muranaka cho biết, theo quy định, cảnh sát địa phương sẽ quyết định công ty tư nhân nào trúng thầu hoạt động giám sát việc đỗ xe trái phép trên những tuyến phố cụ thể. Hằng ngày, nhân viên của công ty trúng thầu sẽ tuần tra dọc các tuyến phố, nếu phát hiện có ô-tô sai phạm, nhân viên này sẽ chụp ảnh xe sai phạm, in giấy báo vi phạm gài lên kính trước của xe và thông báo cho nhân viên cảnh sát có thẩm quyền. Nhân viên cảnh sát này sẽ là người quyết định xem ô-tô đó có thật sự sai phạm về quy định đỗ xe hay không; nếu có vi phạm, nhân viên này sẽ nhập thông tin, hình ảnh và mức phạt vào máy vi tính, rồi gửi thông báo phạt tới chủ xe đó. Mức phạt cao nhất lên tới 200.000 yên (tương đương 43 triệu đồng). Nếu vi phạm quy định về cấm đỗ xe qua đêm trên đường phố, ô-tô vi phạm sẽ bị xe chuyên dụng của cảnh sát cẩu đi.

Trong thời gian làm nhiệm vụ tuần tra, nhân viên của công ty tư nhân được coi là nhân viên nhà nước, và nếu có hành vi tham nhũng hoặc lừa dối, sẽ bị xử phạt hình sự.

Việc ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách nói trên đã dẫn đến hầu hết nơi đỗ xe ở các khu chung cư Nhật Bản trở thành tài sản tách riêng, có thể được mua bán hoặc cho thuê các chỗ đỗ đối với bất kỳ ai có nhu cầu, không nhất thiết phải là người sống trong chung cư đó. Một kết quả “không nằm trong dự định ban đầu”, đó là những chính sách này đã góp phần hình thành các thị trường địa phương về đỗ xe qua đêm qua việc nhiều chủ xe ô-tô phải thuê chỗ đỗ tại các chung cư hoặc các bãi đỗ xe tư nhân gần nhà của họ theo mức giá thị trường.

Cùng với hai chính sách nói trên, để giải quyết tình hình thiếu chỗ đỗ, từ năm 1957, Nhật Bản đã đưa ra quy định bắt buộc phải có diện tích dành cho bãi đỗ xe khi xây dựng hoặc mở rộng các tòa nhà mới như các trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm thể thao… Quy mô bắt buộc của mỗi bãi đỗ xe này do các chính quyền địa phương quyết định tùy theo công năng và diện tích của tòa nhà. Thông thường, chỉ những tòa nhà nào có tổng diện tích từ 2.000 m2 trở lên mới bị bắt buộc phải xây bãi đỗ xe. Những bãi đỗ xe này đã tạo thêm nguồn cung quan trọng cho thị trường bãi đỗ xe ở Tokyo.