Khu chợ đặc biệt ở Manipur

Chợ Nupi Keithel, còn gọi là chợ Ima, nằm ở thành phố Imphal, thủ phủ bang Manipur (Ấn Độ) không chỉ là một trong những khu chợ lớn và lâu đời nhất của châu Á, mà còn đặc biệt ở chỗ chỉ có phụ nữ điều hành và buôn bán. Ra đời từ thế kỷ 16, tới nay chợ Nupi Keithel trở thành một điểm du lịch độc đáo, lưu giữ những câu chuyện về lịch sử đấu tranh vì tự do và bình đẳng, nhất là cho người phụ nữ Ấn Độ.

Một góc khu chợ Nupi Keithel. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Một góc khu chợ Nupi Keithel. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Bang Manipur trong lịch sử từng là một vương quốc thịnh vượng, sau đó trở thành một phần của Ấn Độ vào năm 1949. Nơi đây cũng từng trải qua tình trạng bất ổn, chiến tranh với các nước láng giềng trong nhiều thập kỷ. Chính vì thế, Manipur có một hệ thống quân dịch gọi là “lallup”, theo đó nam giới từ 17 đến 60 tuổi thường phải nhập ngũ trong thời gian dài. Để quán xuyến gia đình, phụ nữ phải gánh vác việc chăm sóc con trẻ, đồng thời tự canh tác, dệt vải, làm ra một số mặt hàng để bán ở chợ. Vì lẽ đó, khoảng năm 1580, chính quyền Manipur đã thành lập một trung tâm buôn bán dành riêng cho phụ nữ gọi là Nupi Keithel (tạm dịch là “Chợ của phụ nữ”). 

Ban đầu, khu chợ là nơi buôn bán ngoài trời phía trước pháo đài Kangla những năm đầu thế kỷ 18, phương thức kinh doanh chủ yếu là trao đổi hàng hóa. Chỉ những phụ nữ đã có gia đình mới có thể làm việc ở đây và quầy hàng được truyền từ đời mẹ sang con gái, con dâu. Ngày nay, có khoảng 5.000 phụ nữ quản lý các quầy hàng dệt may, đồ dùng gia đình, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ… Theo thời gian, chợ Nupi Keithel được xây dựng thành một khu nhà rộng lớn, kiên cố và trở thành nơi cung cấp hàng hóa chính cho người dân ở Manipur. Hoạt động từ 3 giờ sáng tới 19 giờ tối hằng ngày, mỗi gia đình mang hàng hóa của riêng họ ra chợ bán. Những phụ nữ không có gian hàng sẽ bán dạo hoặc trải bạt trên đất bên ngoài chợ. Chợ Nupi Keithel vẫn duy trì quy tắc đàn ông không được phép bán hàng mà chỉ mua hàng trong hàng trăm năm qua. 

Nơi đây còn trở thành biểu tượng khuyến khích người phụ nữ khẳng định vai trò và năng lực của mình trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Phụ nữ ở chợ Nupi Keithel không chỉ tham gia sâu rộng vào lĩnh vực buôn bán, họ còn là tiếng nói của những người bất hạnh, bị áp bức bất công. Anh Rajib, một hướng dẫn viên địa phương cho tờ The New York Times cho biết: “Tại Manipur, chúng tôi cũng lưu giữ nhiều ký ức lịch sử về những tấm gương phụ nữ dũng cảm chống lại sự cai trị và áp bức của thực dân Anh. Đó là hai cuộc nổi dậy “Nupi Lan” do các nữ thương nhân Nupi Keithel lãnh đạo vào năm 1904 và 1939. Những người phụ nữ đã tổ chức các cuộc diễu hành, đấu tranh quyết liệt nhằm bảo vệ quyền lợi của họ và gia đình”. 

Truyền thống đấu tranh, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vì sự công bằng và tự do, đặc biệt là cho người phụ nữ vẫn được duy trì tại Nupi Keithel. Giữa ngổn ngang hàng hóa trong các quầy hàng, du khách có thể nhận ra những tấm băng-rôn với các khẩu hiệu như “Chúng tôi sẽ không im lặng” hay “Chúng tôi đòi hỏi công lý”… Bà Laishram Mema, một chủ tiệm đồ trang sức thủ công lâu năm cho biết: “Ở đây, chúng tôi không chấp nhận sự im lặng và cam chịu. Việc đấu tranh với ai không quan trọng, bởi nếu có bất kỳ người nào gây tổn hại lợi ích của người dân Manipur, chúng tôi sẽ lên tiếng phản đối”. 

Mỗi tháng, các chủ quầy hàng như bà Laishram Mema kiếm được khoảng 160 USD. “Đối với nhiều người, đó có lẽ là một số tiền nhỏ. Nhưng chính nó đã giúp tôi nuôi dạy ba cô con gái. Mặc dù thu nhập chỉ đủ nuôi sống gia đình, nhưng tôi và cộng đồng nữ tiểu thương ở chợ Nupi Keithel luôn đoàn kết giúp đỡ những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hoặc những người từng bị xã hội kỳ thị tìm được một nơi định cư, thậm chí quyên góp tiền để họ tự làm ăn, xây dựng lại cuộc đời”, bà Mema chia sẻ.