Kế hoạch “phục chế xanh” Nhà thờ Đức Bà Paris

Giới kiến trúc sư vẫn đang tích cực đề xuất các kế hoạch trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris, bị phá hủy một phần sau trận cháy thảm khốc hôm 15-4. Trong số các bản vẽ được đưa ra, nổi bật có dự án “Palingenesis” (tạm dịch là “Tái sinh”) của Công ty Vincent Callebaut Architectures, đề xuất xây dựng mái bằng kính và thiết kế khu vườn sinh học nhằm hỗ trợ thực phẩm cho người vô gia cư.

Thiết kế vòm kính của Vincent Callebaut Architectures. Ảnh: CNN
Thiết kế vòm kính của Vincent Callebaut Architectures. Ảnh: CNN

Sau khi Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo về một cuộc thi quốc tế dành cho các kiến ​​trúc sư với yêu cầu thiết kế lại tòa tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris, Công ty kiến ​​trúc Vincent Callebaut Architectures của Pháp đã đề xuất một thiết kế đề cao sự thân thiện môi trường, hỗ trợ người dân địa phương và có thể sản xuất nhiều năng lượng hơn trước đây.

Với dự án “Palingenesis”, Công ty Vincent Callebaut Architectures giới thiệu ý tưởng về lớp mái mới làm bằng kính, gỗ sồi và sợi carbon. Đỉnh tháp gần 900 năm tuổi được thiết kế lại với khung gỗ sồi nhiều lớp, có độ nghiêng 55 độ và kéo dài thẳng đứng. Theo đại diện Công ty Vincent Callebaut Architectures, thiết kế của đỉnh tháp mới sẽ giống như hình ảnh một chồi non mọc lên, thể hiện sự tái sinh. Với lớp mái bằng kính, công trình được xem là “trái tim của nước Pháp” sẽ được “tắm” trong ánh sáng tự nhiên.

Ngay dưới ngọn tháp là khu vườn rau quả, do các tổ chức thiện nguyện và tình nguyện viên vận hành, nhằm sản xuất thực phẩm phân phát cho người dân địa phương gặp khó khăn. Phương pháp trồng thủy sinh, sử dụng phân bón tự nhiên cũng sẽ được áp dụng. Nhà thờ Đức Bà Paris dự kiến thu về 21 tấn rau củ quả mỗi năm và phân phối chúng hoàn toàn miễn phí. Một khu chợ nông sản cũng sẽ được tổ chức hằng tuần ở sân trước nhà thờ. Khu vườn sinh học trên mái dự kiến cũng được sử dụng làm nơi thưởng ngoạn và ngồi thiền cho du khách.

Kế hoạch “phục chế xanh” Nhà thờ Đức Bà Paris ảnh 1

Thiết kế bên trong mái. Ảnh: ARCH DAILY

Mái nhà và ngọn tháp cũng sẽ tạo ra điện, nhiệt và hỗ trợ thông gió cho nhà thờ. Một lớp hợp chất trong kính sẽ cung cấp năng lượng mặt trời, trong khi những chiếc “vảy” hình kim cương của mái nhà sẽ mở ra để mang lại sự thông thoáng tự nhiên, lấy cảm hứng thiết kế từ tổ của loài mối. Ngọn tháp sẽ hoạt động như một “không gian đệm nhiệt”, giúp tích tụ khí nóng vào mùa đông, lưu thông không khí trong lành vào mùa hè.

“Làm thế nào để chúng ta có thể viết lịch sử đương đại của nước Pháp trong sự tổng hòa cả về khoa học, nghệ thuật và tâm linh? Chúng tôi tìm cách trình bày một dự án siêu việt, biểu tượng của một tương lai xanh”, đại diện Vincent Callebaut Architectures cho biết. Nếu thiết kế này được chọn, Nhà thờ Đức Bà Paris tái sinh sẽ định nghĩa hình ảnh mới của Giáo hội Công giáo trong thế kỷ 21, với mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên.

Ngoài Vincent Callebaut Architectures, nhiều công ty kiến trúc Pháp cũng ưu tiên thiết kế mái bằng kính cho nhà thờ với hệ sinh thái xanh. Công ty thiết kế kiến trúc 3D Miysis Studio tại Pháp từng đề xuất phục hồi ngọn tháp và phần mái bị hư hại bằng kính trong suốt, để “tìm sự cân bằng giữa lịch sử và tương lai”. Phía bên trong phần mái trồng nhiều cây nhằm đề cao việc bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học và giáo dục ý thức cộng đồng.

Đề xuất của Miysis Studio hay Vincent Callebaut Architectures chỉ là hai trong nhiều phương án thiết kế được đưa ra. Việc phục dựng “trái tim của nước Pháp” được dự báo sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Song, có thể thấy, các công ty thiết kế đang dành sự ưu tiên cho hệ sinh thái tự nhiên và các vật liệu thân thiện môi trường, nhằm tạo nên một “trái tim xanh” giữa lòng Thủ đô Paris cổ kính.