Jakarta đối phó ô nhiễm môi trường

Thủ đô Jakarta (Indonesia) đang đối mặt tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh bị người dân thưa kiện, yêu cầu phải hành động để giảm tình trạng ô nhiễm, chính quyền Thủ đô Jakarta đã lên kế hoạch làm mưa nhân tạo trong tháng 7 này.

Jakarta đang đối mặt tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: GETTY IMAGES
Jakarta đang đối mặt tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: GETTY IMAGES

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu & Địa lý Indonesia mới đây khuyến cáo người dân Thủ đô Jakarta nên sử dụng khẩu trang khi đi ra đường do mức độ ô nhiễm không khí của thành phố này ngày một tăng. Căn cứ Chỉ số chất lượng không khí (AQI) do tổ chức nghiên cứu khoa học Air Visual có trụ sở tại Thụy Sĩ đưa ra, với mức đo lường từ 0-500, chỉ số AQI từ 151-200 được coi là không tốt cho sức khỏe và chỉ số trong khoảng 201-300 là ô nhiễm rất nghiêm trọng, gây nguy hại đến sức khỏe con người. Trong khi đó, chỉ số ô nhiễm không khí ở Jakarta tuần qua đã đạt mức 210. Với chỉ số này, Jakarta đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí, vượt qua cả New Delhi (Ấn Độ) và Bắc Kinh (Trung Quốc).

Nguyên nhân dẫn đến mức độ nghiêm trọng trên, ngoài yếu tố con người, theo nhiều chuyên gia về môi trường là do mùa khô tại nước này đã bắt đầu. Dự đoán trong vòng ba tháng tới, điều kiện không khí của Jakarta sẽ ngày một xấu đi do hạn hán gia tăng. Khi những cơn mưa trở nên hiếm hoi và độ ẩm không khí tăng lên, những hạt bụi ô nhiễm không được rửa trôi và sẽ lơ lửng trong không khí, từ đó khiến môi trường trở nên ô nhiễm nặng nề hơn.

Trước tình trạng này, Thống đốc Jakarta, ông Anies Baswedan mới đây đã yêu cầu Cơ quan Đánh giá & Ứng dụng Công nghệ (BPPT) nghiên cứu để tạo ra mưa nhân tạo dưới sự tài trợ của Không quân Indonesia. Việc áp dụng mưa nhân tạo sẽ được thực hiện ngay trong tháng 7 này, trước khi bước vào năm học mới để bảo đảm việc đến trường cho các học sinh. Các nhà khoa học đang cân nhắc ba cách làm mưa nhân tạo, đó là “gieo hạt” trên mây, loại bỏ các lớp đảo ngược và phun nước bằng máy bay hoặc từ đất liền.

Kế hoạch làm mưa nhân tạo được đưa ra sau khi phong trào có tên Tim Advokasi Ibukota (Đội vận động Jakarta) gồm 31 người ở Thủ đô Jakarta gửi đơn kiện mang tính lịch sử lên Tòa án Trung tâm Jakarta, yêu cầu chính quyền trung ương và chính quyền thành phố Jakarta phải hành động để giảm tình trạng ô nhiễm không khí. Trong đơn kiện, nhóm này đã chỉ trích vai trò của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Bộ Môi trường & Lâm nghiệp, Bộ Y tế và Thống đốc Jakarta vì để mặc tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng. Jakarta đã bị che phủ trong khói mù độc hại suốt tháng qua với nồng độ cao các hạt vi mô có hại PM2,5.

Nguyên đơn bao gồm các nhà hoạt động môi trường, nhân viên văn phòng và người đi xe máy muốn nâng cao nhận thức về vấn đề ô nhiễm môi trường và buộc chính phủ phải có các biện pháp nhằm cải thiện tình hình. Luật sư Nelson Nikodemus Simamora, một trong số những nguyên đơn nhận định: “Chính phủ đã bỏ qua quyền được hít thở không khí trong lành của con người. Họ đã không duy trì chất lượng không khí ở mức trong lành cho 10 triệu người sống ở đây. Chúng tôi cần chính phủ phải hành động”.

Tuy nhiên, ông Bondan Andriyanu, nhà vận động thuộc Green Peace (Hòa bình Xanh), tổ chức về các chiến dịch bảo vệ môi trường chi nhánh Indonesia, cho rằng cách làm mưa nhân tạo sẽ chỉ là một phương án tạm thời, không hiệu quả. Theo ông Andriyanu, việc gây mưa nhân tạo chỉ có thể trong một vài giờ, không thể kéo dài cả ngày. Bên cạnh đó, hạn hán chỉ là một trong số các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường. Vì vậy, thay vì tập trung vào phương án làm mưa nhân tạo, giới chức thành phố nên chú trọng kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm như khói bụi từ các phương tiện giao thông công cộng, các nhà máy, khu công nghiệp… Trong khi đó, người đứng đầu BPPT, ông Hammam Riza cho biết, có thể thay đổi thời tiết để giúp thành phố giải quyết trước mắt vấn đề ô nhiễm không khí, song vẫn cần tới những giải pháp đối phó từ gốc.