Indonesia thúc đẩy bảo vệ môi trường

Theo số liệu của LHQ, Indonesia hiện là quốc gia thải ra lượng rác nhựa gây ô nhiễm biển nhiều thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Chính quyền thành phố Surabaya thuộc đảo Java của nước này mới đây đề ra giải pháp đổi rác thải nhựa lấy vé xe buýt nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Một điểm thu gom rác thải nhựa ở Surabaya. Ảnh: AFP
Một điểm thu gom rác thải nhựa ở Surabaya. Ảnh: AFP

Reuters cho biết, theo chương trình hành động của chính quyền Surabaya, mỗi người dân lựa chọn nộp ba chai nhựa cỡ lớn, hoặc năm chai nhựa cỡ trung bình hay 10 ly nhựa để sở hữu một tấm vé xe buýt miễn phí với hành trình kéo dài trong một giờ. Người dân phải làm sạch các chai nhựa khi đem nộp tại các văn phòng của những nhà ga và trạm xe buýt, sau đó những chai nhựa này được đưa trực tiếp đến các nhà máy xử lý tái chế.

Để phục vụ sáng kiến trên, giới chức thành phố Surabaya quyết định bổ sung 20 chiếc xe buýt mới. Mỗi xe được trang bị thêm các thùng rác tái chế và nhân viên bán vé sẽ thu gom các chai nhựa do hành khách bỏ lại. Chính quyền địa phương ở Surabaya cho biết, hằng tuần, gần 16.000 hành khách đã đăng ký đổi rác thải nhựa để lấy vé xe buýt. Ước tính, trong một tháng, gần sáu tấn rác nhựa được thu gom từ các hành khách và sau đó được chuyển tới các công ty tái chế.

Ông Fransiska Nugrahepi, một cư dân 48 tuổi của Surabaya cho biết: “Đây là một giải pháp thông minh. Thay vì vứt rác bừa bãi như trước kia, giờ đây người dân giữ lại các đồ nhựa sau khi sử dụng, thậm chí chú ý nhặt nhạnh các chai nhựa phế thải trên phố và mang chúng đến các địa điểm đổi vé xe buýt miễn phí”. Ông Nugrahepi cho rằng, giải pháp này đã khiến diện mạo của thành phố thay đổi rất nhiều so trước đó.

Indonesia thúc đẩy bảo vệ môi trường ảnh 1

Rác thải nhựa có thể đổi lấy vé xe buýt miễn phí. Ảnh: AFP

Theo ông Franki Yuanus, một quan chức giao thông Surabaya, không chỉ giúp giảm lượng nhựa phế thải ra môi trường gây ô nhiễm, chương trình này còn giúp chính quyền địa phương giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong thành phố bằng cách khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Ngoài ra, ông Yanus cũng hy vọng chương trình này sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là trẻ em, những thế hệ tương lai của đất nước.

Nurhayati Anwar, 44 tuổi, là kế toán viên và hằng ngày đều di chuyển bằng xe buýt cùng con trai ba tuổi. Cô cho hay, chính sách đổi rác lấy vé xe buýt miễn phí đang thay đổi cách nhìn của người dân về tác hại và nguy cơ từ các loại nhựa phế thải. “Từ khi có chương trình hành động này, dù ở công sở hay ở nhà, chúng tôi đều cố gắng thu thập rác thay vì vứt đi. Bây giờ chúng tôi hiểu rằng nhựa không tốt cho môi trường. Mọi người ở Surabaya bắt đầu tìm hiểu về tác hại của nó”.

Theo báo cáo năm 2016 của quỹ Ellen MacArthur về bảo vệ môi trường, đến năm 2050, lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá trong đại dương. Ước tính, mỗi năm có tới tám tấn rác nhựa bị thải ra biển, tương đương với mỗi phút lại có một xe tải đổ rác thải nhựa vào đại dương. “Nếu không hành động ngay, đến năm 2030, con số này sẽ là hai xe rác mỗi phút và năm 2050 là bốn xe mỗi phút”, báo cáo trên cho biết.

Trong khi đó, là quốc gia gây ô nhiễm biển do nhựa phế thải thứ hai thế giới, Chính phủ Indonesia cam kết hành động để đạt mục tiêu giảm khoảng 70% lượng rác thải nhựa từ nay đến năm 2050 tại các vùng biển của nước này, thông qua các biện pháp tái chế, giảm sử dụng đồ nhựa và nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa. Ngoài Surabaya, chính quyền của nhiều khu vực khác tại Indonesia cũng đang nỗ lực giải quyết nạn ô nhiễm môi trường do nhựa đã qua sử dụng. Nhà chức trách tại “thiên đường nghỉ dưỡng” Bali đang từng bước triển khai lệnh cấm các túi nylon và ống hút nhựa dùng một lần, trong khi Thủ đô Jakarta đang xem xét một quy định tương tự.