Indonesia ngăn chặn cháy rừng

Trước lo ngại cháy rừng bùng phát nghiêm trọng như trong thời gian qua, giới chức Indonesia đang lên kế hoạch mua thêm máy bay mới phục vụ cho việc làm mưa nhân tạo.

Indonesia thời gian qua đối mặt nạn cháy rừng nghiêm trọng. Ảnh: AP
Indonesia thời gian qua đối mặt nạn cháy rừng nghiêm trọng. Ảnh: AP

Theo The Jakarta Post, kể từ tháng 8-2019, nhiều điểm nóng cháy rừng đã xuất hiện khắp các tỉnh Riau, Jambi, Nam Sumatra, Tây Kalimantan, Trung Kalimantan, Nam Kalimantan tại Indonesia. Khói bụi từ các đám cháy đã gây hỗn loạn hoạt động giao thông đường không, nhiều trường học phải đóng cửa, tác động tiêu cực tới đời sống của hàng triệu người ở những địa phương này. Tình trạng ô nhiễm từ các đám cháy rừng thậm chí gây ảnh hưởng cho các nước trong khu vực như Malaysia và Singapore.

Trước tình hình đó, ngày 31-12-2019, người đứng đầu Cơ quan Đánh giá và ứng dụng công nghệ (BPPT), ông Hammam Riza cho biết, cơ quan này đang lên kế hoạch mua máy bay NC-212 mới của hãng sản xuất máy bay thuộc sở hữu nhà nước PT Dirgantara Indonesia để sử dụng cho việc gieo mây làm mưa nhân tạo.

Hiện cơ quan này đang sử dụng một số máy bay NC-212 đời 1993 do Dirgantara sản xuất, song số lượng có hạn. BPPT thường xuyên phải mượn máy bay của không quân Indonesia khi có cháy rừng. Theo ông Riza, hiện các máy bay của BPPT sử dụng phương pháp gieo hạt nhân ngưng tụ hơi nước trên mây. Tuy nhiên, công nghệ cũ này được cho là mang lại rủi ro sức khỏe cho các nhân viên trên máy bay.

Trong khi đó, Giám đốc PT Dirgantara Indonesia, ông Elfien Goentoro cho biết máy bay NC-212 thế hệ mới được lắp đặt các máy gieo hạt trên mây tốt hơn, không gây nguy hiểm cho phi công và các nhân viên trên máy bay. Công ty này cũng đang chế tạo chín máy bay NC-212 cho Bộ Quốc phòng Indonesia. Ông Elfien tiết lộ, BPPT có thể sẽ ký hợp đồng mua máy bay vào cuối tháng 1-2021, trong khi đó việc chế tạo máy bay NC-212 sẽ mất khoảng 18 tháng sau khi hợp đồng được ký kết.

Theo nhà chức trách Indonesia, mưa nhân tạo đã giúp nước này giảm tới 90% số vụ cháy rừng. Do đó, giới chức và người dân Indonesia hy vọng giải pháp này có thể giúp họ ngăn chặn cháy rừng hiệu quả hơn nữa trong tương lai.