Hỗ trợ nông trại khi “sốt” đất

Giá thuê đất nông nghiệp tăng cao thời gian qua được xem là một trong những thách thức hàng đầu đối với các nông trại quy mô nhỏ tại Mỹ. Trong bối cảnh “cơn sốt” đất gia tăng, dự án mang tên “Agrarian Commons” ra đời đã hỗ trợ người dân thuê sử dụng đất lâu dài với mức giá ưu đãi, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Một nông trại ở Mỹ. Ảnh: REUTERS
Một nông trại ở Mỹ. Ảnh: REUTERS

Mười năm trước, khi bắt đầu nuôi một vài con gà trong khu vườn ở bang West Virginia của Mỹ, Josh Stover chỉ mong lấy thịt và trứng cho gia đình. Song, một năm sau, đàn gia cầm của anh đã tăng lên hàng trăm con. Stover nuôi thêm cả dê, cừu, bò, lợn cho tới khi cơ sở chăn nuôi phát triển thành doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cho các khu chợ và nhà hàng địa phương. Thấy tình hình thuận lợi, Stover quyết định thuê thêm đất mở rộng chuồng trại. Song, anh phải đối mặt hai khó khăn không nhỏ: Tiếp cận quỹ đất và chi phí. “Ông chủ nhỏ” không hy vọng nhiều vào những khoản vay từ ngân hàng.

“Cơn sốt” đất đang gia tăng tại Mỹ trong nhiều năm qua. Theo Bộ Nông nghiệp nước này, giá trị bất động sản cho các trang trại đã tăng hơn gấp hai lần từ năm 2000 đến 2015. Stover cũng như các chủ nông trại ở bang West Virginia và nhiều khu vực khác phải trông chờ vào những giải pháp thực tế có thể hỗ trợ họ giải những bài toán cả về vốn lẫn mặt bằng. Trong bối cảnh đó, dự án Agrarian Commons ra đời, giúp chủ nông trại có thể tiếp cận quỹ đất cộng đồng với giá ưu đãi.

Stover được nghe về Agrarian Commons từ nhóm điều hành New Roots, một cộng đồng trang trại mà anh vừa gia nhập. Được thành lập năm 2016, New Roots đang triển khai kế hoạch hồi sinh một khu đất rộng 34 ha, nằm nép mình bên dãy núi Appalachian và chạy dọc theo một trong những hẻm núi sâu nhất khu vực. Trang trại được lập ra nhằm mục đích cho người dân thuê đất, đồng thời giúp họ tích lũy những kỹ năng nông nghiệp cần thiết để thúc đẩy kinh tế địa phương, trong bối cảnh cộng đồng kêu gọi bảo vệ đất nông nghiệp và đưa nông dân trở lại canh tác.

Tuy nhiên, New Roots đang được chính quyền địa phương điều hành và chỉ bảo đảm duy trì trong 5 năm, có thể bị bán cho chủ mới bất cứ lúc nào. Điều đó có nghĩa “chưa đủ an toàn” để đầu tư vào hạ tầng trang trại và đưa nông dân trở lại canh tác. Ian McSweeney, Giám đốc tổ chức của Agrarian Trust, đơn vị giám sát dự án New Roots cho biết, trung bình mỗi ngày có 37 trang trại quy mô hạng trung tại Mỹ đóng cửa. Thu nhập của các trang trại vẫn tương đối thấp, nhất là khi giá nông sản giảm trong những năm gần đây. Cũng theo McSweeney, có nhiều phong trào và tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ tập trung bảo tồn đất nông nghiệp, song quyền sở hữu đất lại chưa được quan tâm đúng mực. Nếu nông dân không có quyền sử dụng đất lâu dài, không có gì bảo đảm cho tương lai trên chính mảnh đất họ canh tác.

Được đánh giá là sáng kiến giúp tách đất nông nghiệp khỏi các “lực lượng” thị trường, Agrarian Commons ra mắt với 12 trang trại đầu tiên trên cả nước, gồm cả New Roots, với tổng cộng 971 ha đất. Agrarian Commons hoạt động theo các quy tắc hỗ trợ cộng đồng, với nhiều nét tương đồng mô hình nhà ở giá rẻ, khi một tổ chức phi lợi nhuận giữ quyền sở hữu đất nền bên dưới một căn hộ và bảo đảm giá cả cạnh tranh cho người mua căn hộ trong tương lai. Theo cách tiếp cận này, mỗi trang trại tham gia dự án được chuyển đổi thành một tổ chức phi lợi nhuận riêng biệt, có nhiệm vụ giám sát các vùng đất và dự án của riêng mình, trong khi vẫn phải tuân thủ một loạt các quy định liên quan việc quản lý đất đai, tài chính... Nông dân thuê đất của Agrarian Commons sẽ không bị tính phí theo diện tích, mà dựa trên các thỏa thuận riêng về giá cả cho mỗi trang trại. Các nhà tổ chức cho biết, thời gian thuê đất có thể lên đến 99 năm. Mức giá được đề xuất khoảng từ 5.000 USD đến 12.000 USD mỗi năm.

Sự xuất hiện của Agrarian Commons lập tức được các tổ chức chuyên về bảo tồn đất nông nghiệp hoan nghênh. Trong bối cảnh khoảng 162 triệu ha đất nông nghiệp tại Mỹ dự kiến sẽ “đổi chủ” trong hai thập niên tới do nhiều nông dân nghỉ hưu, Agrarian Commons được đánh giá là đã cung cấp một cách tiếp cận mới để tiếp tục các “di sản nông nghiệp” tại “xứ cờ hoa”.