Dự án trao đổi nhật ký thời đại dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm lý ngày càng trở nên trầm trọng tại Nhật Bản. Một dự án trao đổi nhật ký đã ra đời tại TP Kamakura, tỉnh Kanagawa với hy vọng thắp lên niềm tin cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Kyoko Hidaka - người sáng lập dự án trao đổi nhật ký. Ảnh: MAINICHI
Kyoko Hidaka - người sáng lập dự án trao đổi nhật ký. Ảnh: MAINICHI

Vốn có văn hóa làm việc khắc nghiệt, cộng thêm tình hình dịch bệnh căng thẳng, Nhật Bản nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Human Behavior cho thấy, dù tỷ lệ này giảm đáng kể (14%) trong những tháng đầu của đại dịch, song đã tăng tới 16% ở làn sóng dịch thứ hai ở Nhật Bản. Đáng chú ý, từ tháng 6 đến tháng 10-2020, tỷ lệ tự sát ở phụ nữ, trẻ em và thanh, thiếu niên tăng lần lượt 37% và 49%. Trước thực trạng đáng báo động này, tháng 3-2021, Kyoko Hidaka - chủ sở hữu cửa hàng văn phòng phẩm Kotori ở TP Kamakura đã khởi động một dự án trao đổi nhật ký giữa những người lạ.

Với diện tích khoảng 12 m², cửa hàng của Hidaka là điểm đến yêu thích của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh Kanagawa. Năm nay, tiệm văn phòng phẩm Kotori kỷ niệm 10 năm thành lập, song việc hạn chế ra ngoài để phòng dịch đã khiến lượng khách của cửa hàng giảm một nửa. Vì vậy, cô quyết định đánh dấu cột mốc quan trọng này bằng một ý tưởng độc đáo mà những người không thể tới cửa hàng đều có thể tham gia.

Tháng 9-2020, Hidaka bắt đầu giới thiệu dự án trên trang web và mạng xã hội của cửa tiệm. Trong vòng một tuần, hơn 60 người trên khắp Nhật Bản đã đăng ký tham gia, vượt con số 50 người như dự tính. Bước đầu, cửa hàng sẽ gửi một quyển nhật ký tới một trong số những người tham gia. Người nhận sẽ viết xuống những suy nghĩ, lời nhắn nhủ của mình trong tối đa bốn mặt giấy rồi gửi lại cuốn sổ cho cửa hàng trong vòng từ một tuần đến 10 ngày. Sau đó, cuốn nhật ký lại được gửi cho người tiếp theo và cứ lặp lại như vậy.

Tùy theo từng người viết mà nội dung nhắn gửi sẽ khác nhau, song thường phản ánh tính cách, sở thích và cuộc sống của họ. Nhiều người đã viết những thông điệp tích cực như: “Tôi mong tình hình sớm ổn định trở lại để chúng ta có thể hướng đến một tương lai tươi sáng. Hãy cùng kiên nhẫn thêm một chút nữa. Cố lên nào tất cả các bạn!”. Một người khác lại kể về kỷ niệm bị giáo viên phát hiện khi trao đổi nhật ký trong giờ với bạn, cho biết dự án này “khiến tôi hoài niệm về thời học sinh”.

Dự án trao đổi nhật ký thời đại dịch -0
Cuốn nhật ký được người sử dụng trải nghiệm theo cách riêng. Ảnh: MAINICHI 

Làm việc trong ngành dịch vụ, vốn là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Ayumi Sakai (tỉnh Aichi) đã thay đổi nơi ở và việc làm nhiều lần. Cô chia sẻ suy nghĩ sau khi nhận được nhật ký từ dự án vào tháng 1-2021: “Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy bất an và lo lắng khi phải làm quen với cuộc sống ở nơi ở mới. Khi đọc những lá thư viết tay trong cuốn sổ, tôi có thể mường tượng về tính cách và hoàn cảnh của người viết, đồng thời cảm nhận được sự ấm áp từ họ”. Với Sakai, đây là trải nghiệm “chỉ có một lần trong đời”. Còn với Michi Tsuruo (tỉnh Ishikawa), một phụ nữ làm việc trong ngành xuất bản và dành phần lớn thời gian để làm việc ở nhà, những dòng thư đã khiến cô cảm thấy ấm lòng và dễ chịu hơn khi đang gần như tuyệt vọng vì áp lực.

Những cuốn nhật ký được gửi lại cửa hàng chứa đầy các con tem và miếng dán trang trí sặc sỡ, cho thấy những người tham gia đã trải nghiệm theo cách riêng của họ. Theo dự tính của Hidaka, nhật ký sẽ đến tay tất cả các thành viên trong dự án vào mùa hè này và các cuốn sổ sau đó sẽ được trưng bày tại cửa tiệm Kotori. Cô cũng chia sẻ thêm: “Những lá thư viết tay đã nói lên không khí của thời điểm hiện nay. Tôi mong mọi người sẽ đến và xem những cuốn sổ sau khi dịch Covid-19 qua đi”. Một ngày nào đó, rất có thể những người xa lạ từng động viên nhau qua những dòng thư sẽ gặp mặt lần đầu tại cửa tiệm.