Dự án “hồi sinh” Chernobyl

Ukraine vừa triển khai dự án “Nam châm Ukraine: Chernobyl” nhằm thu hút du khách tới thăm thế giới độc đáo của “vùng đất chết” này. Gần 35 năm là khoảng thời gian không dài để phục hồi sau sự cố hạt nhân, song chính quyền Kiev vẫn nỗ lực đưa Chernobyl từng bước “hồi sinh”.

Khách du lịch tham quan khu vực nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl. Ảnh: REUTERS
Khách du lịch tham quan khu vực nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl. Ảnh: REUTERS

Tuyến đường đầu tiên dành cho du lịch khám phá bằng xe đạp trong khuôn khổ dự án “Nam châm Ukraine: Chernobyl” đang được xây dựng, với tổng chiều dài 45 km, chạy từ trạm kiểm soát Zeleny Mys qua các làng Kupovatoe, Opachichi, Otashev và đến làng Plyutovishche. Bên cạnh làn đường dành cho xe đạp, lực lượng chức năng địa phương cũng xây dựng các điểm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Đại diện cộng đồng những người yêu xe đạp của Ukraine tham gia tiến hành kiểm tra và ghi nhận mức độ phóng xạ dọc tuyến đường nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, vẫn có những yêu cầu nhất định khi tham gia đạp xe tham quan Chernobyl. Các nhóm du khách chỉ được di chuyển dọc tuyến đường cố định cùng các nhân viên kỹ thuật. Đồng thời, trong suốt hành trình luôn có phương tiện vận chuyển đặc biệt được cử đi cùng đoàn, nhằm sẵn sàng ứng phó và đưa khách du lịch thoát khỏi nguy hiểm khi cần thiết.

Năm 2019, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hủy bỏ lệnh hạn chế tới thăm khu vực Chernobyl, vốn có hiệu lực từ năm 1986. Quyết định này góp phần xóa bỏ tình trạng “du lịch chui” do nhiều cá nhân tự đứng ra tổ chức để trục lợi, song không bảo đảm an toàn và đôi khi vô tình dẫn du khách tới những khu vực có mức độ nhiễm xạ cao. Hiện, việc quay phim, chụp ảnh cũng không còn bị cấm tại Chernobyl. Chính quyền địa phương thậm chí còn cam kết cải thiện mạng viễn thông tại khu vực để phục vụ du khách.

Ngày 26-4-1986, khoảng 50 nghìn người dân thị trấn Pripyat gần Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl chỉ có vẻn vẹn ba giờ đồng hồ để sơ tán toàn bộ khỏi vùng nhiễm phóng xạ. Những ngôi nhà hoang tàn từng bị con người vội vã bỏ lại nay bị rừng rậm và động vật hoang dã xâm chiếm, thu hút ngày càng nhiều du khách tới thăm. Ban đầu, từ những năm 2000, xuất hiện các chuyên gia về sinh học, môi trường, vật lý, nhà báo… đăng ký với chính quyền Ukraine để được tiếp cận khu vực Chernobyl phục vụ mục đích nghiên cứu. Về sau, lượng người muốn tới tham quan, trải nghiệm “thành phố ma” sau sự cố hạt nhân ngày càng tăng.

Chính quyền Ukraine nhận thấy việc tổ chức tham quan theo các tuyến đường cố định đã được rà soát kỹ sẽ không gây hại tới sức khỏe, vì vậy đã mở cửa Chernobyl cho khách du lịch vào năm 2011. Cho tới nay, 21 tuyến đường du lịch đã được phê duyệt tại Chernobyl, trong đó có 13 tuyến đường bộ, năm tuyến đường thủy và ba tuyến đường hàng không. Chỉ trong tám tháng năm 2019, con số kỷ lục 75 nghìn người đến thăm khu vực Chernobyl đã được ghi nhận, chủ yếu từ Anh, Đức, Ba Lan và Mỹ. Đáng chú ý, số lượt đặt chỗ cho các chuyến du lịch khám phá Chernobyl tăng hơn 40% kể từ sau khi loạt phim Chernobyl của Kênh truyền hình Mỹ HBO được công chiếu hồi tháng 5 và 6-2019. Loạt phim năm tập tái hiện lại thảm họa hạt nhân năm 1986 đã trở thành một trong những phim truyền hình có thứ hạng cao nhất trong lịch sử trang bình chọn phim hàng đầu thế giới IMDb.

Các nhà khoa học cho rằng, phải rất lâu nữa con người mới có thể quay trở lại sống bình thường trong các khu vực nhiễm xạ của Chernobyl. Hiện, các hoạt động nông nghiệp tại khu vực chưa được phép phát triển, song các hoạt động công nghiệp và du lịch trong khuôn khổ được cho là giải pháp hữu hiệu để góp phần làm sống lại Chernobyl. 

Được khởi động không lâu, song du lịch tại Chernobyl đã đối mặt một số thách thức. Đám cháy lớn kéo dài trong 10 ngày hồi tháng 4 năm nay đã phá hủy gần một phần ba số điểm du lịch tại đây. Ít nhất 12 ngôi làng bỏ hoang trong khu vực bị cháy hoàn toàn. Ngọn lửa cũng đã lan rộng tới các khu vực chứa các thiết bị nhiễm xạ từng được sử dụng trong nỗ lực ngăn chặn thảm họa năm 1986. Thiệt hại lớn nhất vẫn là hệ sinh thái vốn phục hồi không lâu kể từ khi con người rời khỏi khu vực này.