Đi tìm bí mật “đá mặt trời”

Trong bảo tàng của Tổ hợp khai thác và chế biến hổ phách Kaliningrad ở tỉnh cùng tên của Liên bang Nga, có một bức tranh họa sĩ nhí vẽ vùng biển nước này, với ba chú cá mang tên “khí đốt”, “dầu mỏ” và “hổ phách”. Bức tranh này cho thấy, hổ phách (nhựa cây lá kim hóa thạch hay còn gọi là “đá mặt trời”) là một trong ba tài nguyên quý của nước Nga.

Công nhân Tổ hợp Kaliningrad tạo hình cho hổ phách.
Công nhân Tổ hợp Kaliningrad tạo hình cho hổ phách.

Nằm lọt giữa châu Âu bên bờ biển Baltic, Kaliningrad là tỉnh mang phong cách châu Âu nhất nước Nga. Đứng ở nơi “gần châu Âu nhất” từ Nga, mùi biển trong lành quẩn quanh du khách. Ngoài du lịch nghỉ dưỡng, muốn tìm hiểu kỹ về loại “đá mặt trời”, chẳng có nơi nào hợp lý hơn Kaliningrad, nơi tập trung 90% trữ lượng hổ phách trên thế giới. 

Có lời dặn truyền tai rằng, khi đặt chân đến Kaliningrad, phải để ngay viên hổ phách bạn thấy đầu tiên vào trong người, vì nó mang lại may mắn. Trong khi vẫn còn quanh quẩn với ý nghĩ đó, món quà lại đến với chúng tôi đầy bất ngờ. Một tài xế taxi đã tặng chúng tôi một gói hổ phách, mà đích thân bác nhặt được trong những lần chở khách đến bờ biển Baltic. Bác còn dặn, nếu muốn nhặt hổ phách, hãy chờ lúc bão tan. 

Hổ phách là nhựa cây lá kim cổ đại hóa thạch từ cách đây 50 đến 140 triệu năm. Nơi những con sóng của biển Baltic đang dập dồn đẩy những mảng hổ phách dạt vào bờ và vùi vào đất, từ xa xưa là nơi “tổ tiên” của loài thông hiện nay sinh trưởng. Thời đó, khí hậu nóng ẩm khiến thông đổ nhựa. Cơn dông đi qua, thông gãy và từng tảng “nước mắt” của cây bật ra khỏi thân.

Trong nhiều thế kỷ, người ta đã thay nhau tìm kiếm “đá mặt trời” trên cát biển Baltic để về gia công. Nhưng có giai đoạn, họ gần như đánh mất nghề thủ công này. Tuy nhiên, hơn 70 năm trước, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Tổ hợp hổ phách Kaliningrad của Nga đã cứu những mỏ “đá mặt trời” của xưởng sản xuất cũ, để đến nay tổ hợp này là doanh nghiệp duy nhất ở Nga khai thác hổ phách theo quy mô công nghiệp, ở độ sâu 40 đến 60 m.

Trữ lượng hổ phách của mỏ Primorsky, nơi Tổ hợp hổ phách Kaliningrad đang khai thác ước đạt 118.000 tấn. Mỏ có sản lượng khai thác hơn 300 tấn/năm và đang liên tục tăng. Chứng kiến các công nhân đang tạo hình cho hổ phách, chúng tôi phần nào hiểu được tại sao chỉ có thể dùng tay để thực hiện công đoạn này. Đây là cách duy nhất để nhận ra cấu trúc và các vết mờ trên đá. Với những người thợ lành nghề, hổ phách trắng mờ có giá trị nhất, nhưng hổ phách trong suốt dễ sáng tạo hơn, do có thể tạo mầu từ vàng nhạt đến mầu anh đào đậm.

Đi tìm bí mật “đá mặt trời” -0
Giới thiệu hổ phách trong bảo tàng ở Tổ hợp Kaliningrad. 

Pupysheva Oksana, quản lý mảng du lịch của Tổ hợp hổ phách Kaliningrad dẫn chúng tôi tham quan bảo tàng, nơi trưng bày hàng loạt viên hổ phách lớn, có viên nặng hơn ba kilogram, cũng như các hiện vật hoàng gia khác. Đặc biệt, tại đây có bộ sưu tập hổ phách “có nhân”, gọi là hổ phách thể vùi, giữ lại xác kiến, muỗi, động, thực vật cổ xưa. Một trong những vật thể hiếm nhất là hổ phách chứa thằn lằn. Viên đá như vậy chỉ có thể xuất hiện nhờ sự kết hợp độc đáo của hoàn cảnh, vì thông thường ngay cả những động vật nhỏ nhất cũng có thể thoát khỏi nhựa cây chưa đông đặc. Bằng cách này, có thể phân biệt hổ phách thật và hổ phách giả. Oksana giải thích rằng, hổ phách “có nhân” không chỉ đẹp mà còn hữu ích cho khoa học. Các nhà cổ sinh vật học sử dụng chúng để nghiên cứu hệ động, thực vật cổ đại. 

Các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tạo ra thương hiệu hổ phách cho nước Nga. Ngành công nghiệp này cũng mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Hiện hổ phách Nga nổi tiếng với đồ trang sức, lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ... Theo ông Mikhail Zatsepin, Tổng Giám đốc Tổ hợp hổ phách Kaliningrad, những nước tiêu thụ chính hổ phách hiện nay là Trung Quốc, Ba Lan, Latvia và Litva. Công ty tiếp tục hiện đại hóa dây chuyền sản xuất nhằm tăng cường khai thác, gia công hổ phách và tiếp tục triển khai kế hoạch thâm nhập các thị trường mới như Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, thậm chí châu Phi. 

“Hổ phách là đá ấm, đã tồn tại trong lòng đất hàng triệu năm và hấp thụ nhiều loại năng lượng. Khi cầu hôn, chàng trai nên tặng một món đồ hổ phách, để cô gái hiểu rằng, anh ta không chỉ trao cho cô ấy một bàn tay, mà còn cả một trái tim ấm nóng”, ông Mikhail Zatsepin chia sẻ.