Canh tác “lương thực thông minh” ở Zimbabwe

Ngày càng nhiều nông dân ở 
Zimbabwe chuyển sang trồng các giống cây địa phương như cao lương hay kê do hiệu quả cao hơn ngô - loại cây lương thực phổ biến ở quốc gia châu Phi này. Đại dịch Covid-19 cùng thời tiết khắc nghiệt đã khiến lương thực trở nên khan hiếm, giá cả tăng cao, do đó việc sử dụng các nguồn thực phẩm bản địa hoặc truyền thống đang gia tăng và được xem là một giải pháp cho an ninh lương thực ở đây.

Cao lương và kê được xem là cây trồng của tương lai ở châu Phi .Ảnh: REUTERS
Cao lương và kê được xem là cây trồng của tương lai ở châu Phi .Ảnh: REUTERS

Bà Sinikiwe Sibanda, một nông dân ở Nyamandlovu (Zimbabwe), đã thu hoạch được hai tấn kê trong năm nay, so gần 700 kg ngô trong năm ngoái. Bà rất vui vì năng suất vẫn cao dù trời hạn hán và ít mưa trong suốt vụ mùa. Bà là một trong số ngày càng nhiều nông dân từ các vùng bán khô hạn, ít mưa ở quốc gia châu Phi này đang chuyển phần lớn diện tích từ trồng ngô sang trồng cao lương và hạt kê truyền thống. Bà cho biết: “Hạn hán thường xuyên khiến ngô rất khó trồng vì thiếu nước. Vì vậy tôi đã trồng thêm cao lương, kê dưới tán ngô và đã cho năng suất rất tốt”. Do ngô cần nhiều nước hơn và dễ khô héo khi gặp hạn hán, nên từ vụ mùa năm 2015, bà Sibanda đã giảm từ 10 ha xuống còn 5 ha ngô. Diện tích còn lại bà dùng để trồng các loại ngũ cốc hạt nhỏ.

Ngay cả nhiều người chăn nuôi cũng đang chuyển sang trồng cao lương để làm thức ăn chăn nuôi vì dễ trồng và thành phẩm đầu ra có giá thành thấp. Theo Mạng lưới hệ thống cảnh báo sớm nạn đói (FEWS), kinh tế kém phát triển và các đợt hạn hán liên tiếp đã khiến nhu cầu hỗ trợ lương thực tăng cao. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tiếp tục khiến tình hình an ninh lương thực tại các quốc gia Nam Phi trầm trọng hơn. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy cao lương và kê đang giúp nông dân thích nghi với điều kiện khó khăn hiện nay, nhất là khi Zimbabwe đã chứng kiến hạn hán và lượng mưa thấp kỷ lục năm thứ ba liên tiếp.

Ông Hapson Mushoriwa thuộc Viện Nghiên cứu cây trồng quốc tế vùng nhiệt đới bán khô hạn (ICRISAT) cho biết, so một số cây nông nghiệp như ngô, sắn thì các loại ngũ cốc nhỏ hiện được xem là lương thực cho tương lai, do chúng rất giàu dinh dưỡng và việc canh tác thuận lợi ngay cả trong điều kiện thời tiết khô hạn. ICRISAT đang phát triển các giống cây có thể thích nghi với điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt, đó là các loại ngũ cốc và cây họ đậu như cao lương, kê, lạc, đậu gà… Theo ông Mushoriwa, những cây trồng này hiện còn được các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo để kết hợp các đặc tính như cho năng suất cao, khả năng phục hồi và một số thuộc tính chất lượng được người tiêu dùng yêu thích.

Bà Sibanda hiện đã chuyển thói quen nấu các món bằng bột ngô sang bột kê. “Món cháo kê nấu nhanh hơn bột ngô, nó có vị ngon và tốt cho sức khỏe nữa” bà Sibanda rất hài lòng với món ăn mới này. Theo ông Mushoriwa, các loại cây ngũ cốc hạt nhỏ này còn được gọi là “lương thực thông minh” vì chúng dễ canh tác trong điều kiện khí hậu nóng hạn và có giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời còn là các cây bền vững vì tốt cho đất và không cần nhiều hóa chất để chăm bón. Chúng còn là giống cây phù hợp với các hộ nông dân sản xuất nhỏ vì sinh trưởng tốt ở những vùng khí hậu khắc nghiệt nhất, có khả năng tăng năng suất đáng kể và hạt có thể sử dụng cho nhiều mục đích, đồng thời có tiềm năng xuất khẩu rất cao.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng khẳng định, việc sử dụng các nguồn thực phẩm bản địa và truyền thống ở châu Phi, cụ thể là lúa mạch, kê, cao lương, đậu và các loại rau ăn lá ngày càng được chú trọng hơn nhằm bảo đảm an ninh lương thực và mang lại chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người dân, đặc biệt là trẻ em ở khu vực này vốn có tỷ lệ suy dinh dưỡng rất cao. Trong bối cảnh thời tiết cực đoan và bất ổn như hiện nay, giới chức các nước châu Phi đang nỗ lực thúc đẩy việc đa dạng hóa các loại cây trồng chủ lực, khuyến khích người nông dân trồng những giống cây “lương thực thông minh”.