Canada “tuyên chiến” với rác thải nhựa

Hiện chỉ có khoảng 10% lượng rác thải nhựa tại Canada được tái chế. Nếu không có sự thay đổi thì từ nay tới năm 2030, Canada sẽ lãng phí lượng vật liệu nhựa trị giá 11 tỷ USD mỗi năm, cùng vô số hậu quả về môi trường. Bởi vậy, Thủ tướng nước này Justin Trudeau khẳng định Chính phủ Canada đang thực hiện các bước nhằm giảm rác thải nhựa, hỗ trợ đổi mới và thúc đẩy sử dụng các giải pháp thay thế an toàn với chi phí hợp lý.

Một trung tâm phân loại và xử lý rác thải ở Canada. Ảnh: CBC
Một trung tâm phân loại và xử lý rác thải ở Canada. Ảnh: CBC

Trong một báo cáo, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết khoảng 80% lượng rác thải trong các đại dương trên thế giới là nhựa. Do đặc tính phân hủy chậm, nhiều động vật biển bao gồm rùa biển, hải cẩu, cá voi và chim thường xuyên ăn phải nhựa. Ước tính có khoảng một triệu con chim và hơn 100.000 động vật có vú trên biển bị thương hoặc chết vì ăn nhầm rác thải nhựa mỗi năm. Trên toàn cầu, các đại dương mỗi phút phải nhận lượng chất thải nhựa tương đương một xe tải cỡ lớn.

“Người Canada đã chứng kiến tận mắt những tác động của ô nhiễm nhựa và mệt mỏi khi nhìn thấy những bãi biển, công viên, đường phố và bờ biển ngập rác thải nhựa. Chúng tôi sẽ hợp tác với các quốc gia khác để giảm ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và phát triển kinh tế. Chúng ta có trách nhiệm giữ cho môi trường sạch sẽ và an toàn cho các thế hệ mai sau”, ông Trudeau phát biểu. Tuyên bố của Thủ tướng Canada công bố sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua lệnh cấm đối với các mặt hàng nhựa sử dụng một lần vào cuối tháng 3, cùng mục tiêu tái chế 90% chai nước giải khát bằng nhựa vào năm 2029.

Bộ trưởng Môi trường & Biến đổi khí hậu của Canada, bà Catherine McKenna khẳng định: “Chúng ta đều đã nhìn thấy những hình ảnh đáng lo ngại về cá, rùa biển, cá voi và các động vật hoang dã khác bị thương hoặc chết vì rác nhựa trong đại dương trên thế giới. Bởi vậy, người dân Canada mong đợi Chính phủ hành động”. Theo đó, nước này sẽ cấm các loại nhựa sử dụng một lần có hại vào đầu năm 2021 như túi nhựa, ống hút, dao kéo, đĩa…, đồng thời thực hiện các bước khác để giảm ô nhiễm từ các sản phẩm và bao bì nhựa.

Ngoài ra, Canada cũng ra mắt chương trình mang tên “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” (EPR). Đây là cơ chế hiệu quả để chính phủ nước này tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn, bảo đảm các doanh nghiệp sản xuất nhựa có trách nhiệm quản lý việc thu gom và tái chế chất thải nhựa của mình, tránh tình trạng xuất khẩu nhựa sang các nước đang phát triển như trong thời gian qua. Chính phủ nước này cũng trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ trên cả nước tìm ra những cách mới để giảm rác thải nhựa và biến chất thải thành tài nguyên quý giá. Hiện nay, số vốn hỗ trợ giảm rác thải nhựa đã lên tới hơn 10 triệu USD cho 18 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã giảm sử dụng vật liệu nhựa trong bao bì thực phẩm, chất thải xây dựng, tàu biển và ngư cụ. Đồng thời, các công ty đang cải tiến quy trình tái chế nhựa thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển công nghệ tinh chế nhựa sinh học.

Bằng cách cải thiện khả năng quản lý chất thải nhựa và đầu tư vào các giải pháp sáng tạo, Canada có thể giảm 1,8 triệu tấn chất thải gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm hàng tỷ USD và tạo ra khoảng 42.000 việc làm. Ngoài ra, Canada sẽ đẩy nhanh nghiên cứu khoa học về vòng đời của nhựa và những tác động của ô nhiễm nhựa đối với con người, động vật hoang dã và môi trường.

Chính phủ nước này cũng khuyến khích và hỗ trợ khoảng 1,5 triệu USD cho các hoạt động xã hội, thu hút đông đảo người dân tham gia thu gom rác, bảo vệ môi trường. Song song với đó, người dân được yêu cầu không sử dụng các loại nhựa dùng một lần khi mua sắm, góp phần giảm 75% chất thải nhựa từ các hoạt động tiêu dùng. Ngày 11-7 vừa qua, Trung tâm thương mại Yorkale tại thành phố Toronto đã trở thành siêu thị lớn đầu tiên của Canada cấm sử dụng nhựa dùng một lần. Thay vào đó, trung tâm này đã sử dụng kính, thìa dĩa và dao kéo có thể tái chế trong các gian hàng và khu vực ăn uống, giảm khoảng 65% bao bì thực phẩm từ nhựa dùng một lần.