Bước tiến về nữ quyền ở Saudi Arabia

Mới đây, chính quyền Saudi Arabia thông qua một sắc lệnh cho phép phụ nữ nước này có quyền đăng ký khai sinh cho con, đăng ký kết hôn, ly hôn và được phép ra nước ngoài mà không cần sự có mặt của người giám hộ là nam giới. Đây được xem là bước tiến mới giúp thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ nước này.

Phụ nữ Saudi Arabia được phép lái xe từ năm 2018. Ảnh: REUTERS
Phụ nữ Saudi Arabia được phép lái xe từ năm 2018. Ảnh: REUTERS

Sắc lệnh Hoàng gia Saudi Arabia, do Thái tử Mohammed bin Salman soạn thảo và công bố ngày 2-8 vừa qua cho biết, phụ nữ nước này sẽ được phép tự làm hộ chiếu, đăng ký khai sinh cho con, đăng ký kết hôn cũng như ly hôn... Ngoài ra, họ cũng đủ tư cách trở thành người bảo hộ con cái khi chúng còn nhỏ. Không chỉ vậy, chính quyền Riyadh cũng thông qua một luật mới cho phép phụ nữ trên 21 tuổi được ra nước ngoài một mình mà không cần sự đồng ý của người giám hộ nam giới kể từ cuối tháng này. Trước đó, phụ nữ Saudi Arabia luôn phải có sự cho phép của người giám hộ là nam giới như cha, chồng hay những người thân là nam giới khác để kết hôn, làm hộ chiếu hoặc đi du lịch nước ngoài.

Ngay sau khi sắc lệnh của Chính phủ Saudi Arabia được công bố, nhiều phụ nữ nước này đã chia sẻ niềm vui trên mạng xã hội. Không ít phụ nữ bày tỏ sự nhẹ nhõm khi những người đàn ông trong gia đình không còn có thể ra lệnh hay kiểm soát về việc đi lại của họ nữa.

Chia sẻ trên trang cá nhân Twitter, bà Muna Abusulayman, doanh nhân nổi tiếng Saudi Arabia cho biết: “Sự thay đổi này đồng nghĩa việc phụ nữ Saudi Arabia có thể gần như làm chủ số phận của mình. Trước đây, theo Luật Hồi giáo tại Saudi Arabia, nhiều giấc mộng của phụ nữ về du học hay tìm kiếm việc làm ở nước ngoài đã tan vỡ do không thể rời khỏi đất nước vì bất kỳ lý do nào…”.

Sắc lệnh thông qua ngày 2-8 còn bao gồm các quy định về tuyển dụng, mở rộng cơ hội việc làm cho phụ nữ Saudi Arabia. Theo sắc lệnh này, tất cả công dân đều có quyền được làm việc mà không bị phân biệt giới tính, tuổi tác hay khuyết tật cơ thể. Sắc lệnh cũng sẽ ngăn các ông chủ tư nhân từ chối nhận phụ nữ vào làm việc với lý do “cần xin phép người giám hộ”. Một phụ nữ Saudi Arabia chia sẻ: “Luật mới sẽ tạo thuận lợi cho công việc của tôi, đem đến sự bình đẳng giữa nam và nữ, hướng tới tầm nhìn phát triển năm 2030 của Hoàng gia”.

Bước tiến về nữ quyền ở Saudi Arabia ảnh 1

Phụ nữ Saudi Arabia có thể tới xem các trận bóng đá cùng nam giới. Ảnh: AP

Theo Fox News, Saudi Arabia từ lâu được biết đến là quốc gia có những luật lệ Hồi giáo hà khắc đối với phụ nữ. Họ phải sống lệ thuộc vào đàn ông và chịu nhiều bất công trong xã hội. Quốc vương Abdullah khi còn sống đã cố gắng thực hiện nhiều chính sách nhằm tăng thêm quyền và cơ hội sống tốt hơn cho nữ giới tại quốc gia này. Ngày 12-12-2015, Saudi Arabia là nước cuối cùng trên thế giới cho phép phụ nữ thực hiện quyền bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố, qua đó phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng phụ nữ đang được tham gia ngày càng nhiều hơn vào đời sống cộng đồng.

Sắc lệnh mới ban hành của Hoàng gia Saudi Arabia đánh dấu bước tiến mới nhất trong nỗ lực “chậm mà chắc” của chính quyền Riyadh, nhằm thúc đẩy và trao quyền cho phụ nữ, ngang bằng nam giới. Trước đó, tháng 6-2018, Thái tử Mohammed đã áp dụng cải cách được nhiều người dân hoan nghênh, đó là cho phép phụ nữ lái xe, tới xem các trận bóng đá cùng nam giới...