Brazil nỗ lực ngăn chặn phá rừng

Nạn phá rừng ngày một nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân khiến các đám cháy lớn thường xuyên xảy ra tại rừng Amazon mỗi khi Brazil bước vào mùa khô. Trước tình hình đó, Chính phủ nước này mới đây điều động gần 4.000 binh sĩ tới khu vực Amazon nhằm bảo vệ khu rừng nhiệt đới trước nạn khai thác gỗ bất hợp pháp.

Binh sĩ Brazil phá hủy một phương tiện chặt phá rừng. Ảnh: REUTERS
Binh sĩ Brazil phá hủy một phương tiện chặt phá rừng. Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo công bố ngày 8-5 của Chính phủ Brazil, nạn phá rừng tại khu vực rừng Amazon thuộc quốc gia Nam Mỹ trên đã tăng 55% trong bốn tháng đầu năm so cùng kỳ năm 2019. Các số liệu mới đã khiến giới chức nước này hứng chịu sự chỉ trích từ phía dư luận, rằng họ đã không thực thi đủ các biện pháp mạnh tay để bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Trước tình hình đó, ngày 11-5 vừa qua, Chính phủ Brazil đã quyết định triển khai 3.800 binh sĩ thuộc ba lực lượng vũ trang tới vùng Amazon để thực hiện những nhiệm vụ ngăn chặn, đối phó nạn chặt phá và đốt rừng.

Phát biểu ý kiến trong một buổi họp báo, Phó Tổng thống Brazil, ông Hamilton Mourao cho biết, trước mắt, lực lượng quân đội, với sự hỗ trợ của 11 máy bay, sẽ tiến hành các chiến dịch tuần tra và một số biện pháp khác bắt đầu tại một khu rừng quốc gia ở bang Rondonia, gần biên giới Bolivia và tiếp tục tới các khu rừng còn lại trong khu vực Amazon. Chi phí hoạt động cho chiến dịch này ước tính ban đầu là 10 triệu USD.

Ông Mourao nhấn mạnh: “Chặt phá rừng là vấn đề nhức nhối tại Amazon. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để ngăn chặn những hành vi có thể đẩy người dân đứng trước nguy hiểm tại khu vực này. Chiến dịch dự kiến kéo dài đến hết ngày 30-6 tới. Tuy nhiên, việc triển khai quân đội cũng có thể được mở rộng quy mô và kéo dài hơn vào mùa khô, thời gian Brazil thường đối mặt với nạn cháy rừng”.

Bộ trưởng Môi trường Brazil, ông Ricardo Salles tin tưởng các chiến dịch của lực lượng chức năng nước này, dưới sự chỉ đạo của ông Mourao, sẽ thành công trong việc giảm nạn phá rừng tại khu vực được coi là “lá phổi của Trái đất” trong thời gian tới.