Bộ tộc bí ẩn ở vùng núi Pakistan

Phần lớn thành viên của bộ tộc thiểu số Kalash thường có mắt xanh, tóc vàng, sống ở thung lũng sông Chitral, chảy giữa dãy núi Hindu Kush, tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa của Pakistan. Phụ nữ của tộc người này được coi là một trong những người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Những đặc thù về phong tục tập quán, tôn giáo, cách sống… khiến họ trở nên khác biệt với các dân tộc khác ở Pakistan và nước láng giềng Afghanistan.

Các cô gái Kalash trong trang phục truyền thống. Ảnh: TRAVELASK.RU
Các cô gái Kalash trong trang phục truyền thống. Ảnh: TRAVELASK.RU

Những “hàng xóm” sống gần thung lũng sông Chitral luôn cho rằng, tộc người bí ẩn Kalash là hậu duệ của đội quân Alexander Đại đế, bởi khi đi qua vùng đất này, đội quân chinh phạt sống với phụ nữ bản địa và để lại hậu duệ giống hệt người châu Âu hiện đại. Tuy nhiên, truyền thuyết của người Kalash lại cho rằng, tổ tiên của họ đến thung lũng Chitral từ vùng đất lân cận phía nam và sống cùng các dân tộc bản địa khác ở đây.

Theo số liệu điều tra nhân khẩu học mới đây của Pakistan, hiện nay tộc Kalash chỉ có khoảng 6.000 người. Tại thung lũng sông Chitral, ngoài những người Kalash mắt xanh, tóc vàng còn có người tóc hung sẫm, mắt mầu lam. Sự đa dạng, khác biệt về ngoại hình với người Pakistan bản địa là lý do có chuyện kể rằng, người Kalash chính là hậu duệ của những người chinh phạt đến từ châu Âu.

Trước những hoài nghi về nguồn gốc người Kalash, các nhà khoa học đã tiến hành một cuộc nghiên cứu toàn diện về các đặc điểm di truyền của họ. Kết quả nghiên cứu di truyền học cho thấy, người Kalash không liên quan đội quân của Alexander Đại đế, mà có mã gen giống những người sống tại khu vực lân cận là Ấn Độ hay Afghanistan.

Mặc dù trên thực tế, tất cả các tộc người lân cận tại thung lũng Chitral đều theo đạo Hồi, nhưng riêng tộc người Kalash vẫn tin truyền thống tín ngưỡng của mình có nguồn gốc Ấn Độ và Iran. Họ coi thầy tế là cố vấn tinh thần. Được biết, Kalash là tộc người duy nhất trong khu vực này vẫn “trung thành” với truyền thống tôn giáo của mình, dù cộng đồng Hồi giáo khu vực đã nhiều lần thuyết phục họ chuyển đức tin. Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, sở dĩ người Kalash không muốn thay đổi tín ngưỡng truyền thống để gia nhập cộng đồng Hồi giáo bởi trong thế kỷ 19, thung lũng Chitral nằm dưới sự cai trị của Ấn Độ khi đó là thuộc địa của Anh, nơi không có sự tuyên truyền tích cực của đạo Hồi.

Trong cuộc sống hôn nhân, người Kalash khá “cởi mở”, khi các cô gái được phép kết hôn với những người theo đạo Hồi. Họ có quan niệm tự do về tình yêu và hôn nhân. Phụ nữ được phép chọn chồng, điều mà các cô gái của các tộc lân cận thậm chí không bao giờ dám mơ đến. Hơn nữa, nếu người vợ không hài lòng với điều gì đó, cô ấy có thể tự ý ly hôn với chồng mà không cần điều gì ràng buộc. Tuy nhiên, khi cô gái này muốn lấy chồng khác thì người chồng tương lai của cô phải trả gấp đôi số tiền mà người chồng đầu tiên đã bỏ ra để “rước” được cô về làm vợ.

Hiện, cuộc sống của người Kalash vẫn còn nghèo đói và vất vả. Họ chủ yếu làm nghề nông truyền thống, chăn nuôi dê, cừu để lấy thịt và sữa. Cây lương thực như lúa mì, lúa mạch, kê và một số loại ngũ cốc khác là nguồn thức ăn chính của người Kalash.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Pakistan cũng đang diễn biến hết sức phức tạp, việc chăm sóc sức khỏe người Kalash rơi vào tình trạng báo động, gây nhiều quan ngại bởi họ là dân tộc ít người, điều kiện ăn ở cũng như việc chăm sóc y tế không được bảo đảm tốt. Tuy nhiên, tinh thần lạc quan của họ luôn rất cao. Tổ tiên người Kalash lưu truyền câu nói rằng: “Người Kalash sẽ không còn tồn tại chỉ khi phụ nữ không còn muốn mặc áo dài truyền thống”.

Thực tế cho thấy, không chỉ vào những ngày có khách đến thăm hay quốc lễ, mà thường ngày những người phụ nữ Kalash xinh đẹp luôn mặc trang phục truyền thống sặc sỡ. Các chàng trai, cô gái Kalash ở nơi đây luôn trưng diện trang phục nhiều mầu sắc, với những chuỗi hạt, kiểu tóc và mũ đội đầu mang đậm phong tục truyền thống.