Biểu tượng của lòng hiếu khách

Cách đây hàng trăm năm, người Thổ Nhĩ Kỳ đã coi việc sử dụng “kolonya” (có nghĩa là “nước hoa”) gắn liền với việc thể hiện lòng hiếu khách. Ngày nay, kolonya không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống, mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ còn khám phá thêm công dụng thiết thực của nước hoa này. Đó là khả năng khử trùng hữu hiệu và phát huy thói quen rửa tay thường xuyên nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.

Người Thổ Nhĩ Kỳ dùng kolonya để khử trùng và thể hiện lòng hiếu khách. Ảnh: ASIAN REVIEW
Người Thổ Nhĩ Kỳ dùng kolonya để khử trùng và thể hiện lòng hiếu khách. Ảnh: ASIAN REVIEW

Truyền thống sử dụng nước thơm bắt đầu từ thế kỷ thứ 9 tại các nền văn minh trên khắp bán đảo Arab. Ban đầu, nước có hương hoa hồng được sử dụng cho nhiều mục đích như ẩm thực, làm đẹp, phục vụ các nghi thức tôn giáo, dược liệu… Đặc biệt, trong văn hóa trước đây của mình, người Ba Tư, Ai Cập và Ottoman sử dụng nước hoa hồng để chào đón khách. Tới thế kỷ 19, nước hoa hồng đã xuất hiện thường xuyên trong nhiều tuyến đường thương mại, từ châu Âu cho tới trung tâm của Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay). Chính Vua Abdülhamit II của Đế chế Ottoman là người pha trộn nước hoa hồng truyền thống với các loại nước thơm chứa cồn để tạo ra nước hoa kolonya với đặc trưng riêng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kolonya là một biểu tượng độc đáo về lòng hiếu khách và ý thức bảo vệ sức khỏe của người Thổ Nhĩ Kỳ kể từ thời Đế chế Ottoman. Theo truyền thống, mùi hương này chủ yếu được chiết xuất từ hoa sung, hoa nhài, hoa hồng hoặc cam, quýt. Theo tục lệ, nước thơm sẽ được rắc lên tay khách khi người chủ mời vào nhà riêng như một nghi thức “tẩy trần”. Ngoài ra, khi bước vào những nơi công cộng như khách sạn, bệnh viện, đền thờ…, việc sử dụng kolonya cho thấy sự tôn trọng, ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng. Sau khi kết thúc bữa ăn hoặc tham gia các nghi lễ tôn giáo, việc xoa tay bằng kolonya là điều bắt buộc. Điểm khác biệt so các loại nước hoa bình thường là kolonya chứa nồng độ cồn cao, có thể tiêu diệt hơn 80% vi khuẩn và được dùng như một chất khử trùng tay hiệu quả.

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca gần đây công bố về khả năng khử trùng hiệu quả của kolonya, khẳng định truyền thống rửa tay bằng nước thơm sẽ góp phần chống dịch Covid-19. TS Hatira Topakl, bác sĩ gia đình ở Thủ đô Istanbul, giải thích rằng: “Không giống với các nước khác, hầu hết các sản phẩm kolonya đều chứa nhiều cồn, được người dân Thổ Nhĩ Kỳ ưa chuộng dùng thay cho các loại chất khử trùng hóa học. Ngoài ra, nó còn hiệu quả vì từ lâu đã trở thành một phần trong thói quen hằng ngày của người dân”.

Ông Kerim Müderrisoğlu, Giám đốc điều hành của Rebul Holding, công ty sở hữu “Atelier Rebul” - một trong những thương hiệu kolonya lâu đời và nổi tiếng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Việc sản xuất kolonya khá đơn giản. Đầu tiên, ethanol nguyên chất được chiết xuất từ lúa mạch, nho, mật hoặc khoai tây lên men và trộn với nước cất. Sau đó, các nguyên liệu tạo hương thơm tự nhiên như mộc lan, chanh hoặc hương thảo được thêm vào. Cuối cùng, kolonya sẽ được ủ trong thời gian khoảng ba tuần trước khi đóng chai”.

Ra đời đầu thế kỷ 20 tại Thủ đô Istanbul, Atelier Rebul là thương hiệu kolonya do nhà hóa học trẻ người Pháp Jean Cesar Reboul và ông Kemal Müderrisoğlu, vốn là ông nội của Kerim sáng tạo nên. Họ cùng thành lập một trong những nhà máy chưng cất kolonya lớn nhất lúc bấy giờ. Các nghệ nhân ở những thành phố nhỏ hơn cũng học theo việc sản xuất kolonya và biến đổi nhiều thành phần nguyên liệu để tạo nên hương thơm đặc sắc riêng của mỗi vùng miền. Trong đó, có thể kể tới thành phố Isparta, chuyên sản xuất kolonya có mùi thơm hoa hồng; các cộng đồng sống gần Biển Đen sản xuất kolonya hương quả hồ trăn, hoa nhài và hoa mộc lan… Ngày nay, một số chai kolonya quý hiếm đã trở thành đồ sưu tập, như chai kolonya cổ từ thời Ottoman được bán với giá khởi điểm 450 USD/chai.

Bên cạnh chức năng khử trùng, kolonya cũng được cho là hợp chất tự nhiên có lợi ích sức khỏe. Chỉ cần pha và uống một chút nước hoa này với đường có thể hỗ trợ tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi chà xát kolonya lên thái dương cũng có thể làm giảm đau đầu. Bởi vậy, sau khi bùng phát dịch Covid-19, ngành công nghiệp sản xuất kolonya vẫn phát triển mạnh do nhu cầu gia tăng của người dân nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe.