Bảo tồn nghề thủ công ở Estonia

Nằm ngoài khơi bờ biển phía tây của Estonia, đảo Kihnu là nơi sinh sống của khoảng 600 người dân, nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống là dệt và đan móc len lông cừu mà đến nay vẫn được gìn giữ và phát triển mạnh mẽ. Nhờ đó, nghề dệt may truyền thống không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giúp cộng đồng địa phương phát triển kinh tế.

Phụ nữ Kihnu mặc trang phục truyền thống. Ảnh: WN
Phụ nữ Kihnu mặc trang phục truyền thống. Ảnh: WN

Len lông cừu ở Kihnu được lấy ngay từ các trang trại nuôi cừu địa phương và dệt bằng máy dệt tay truyền thống, tạo ra loại sợi chất lượng cao có một không hai. Sau đó, các nghệ nhân trên đảo lại tự dệt và đan các sản phẩm như găng tay, tất, áo, váy… với các mầu sắc tươi sáng và sống động, mà đặc trưng trên trang phục của người Estonia là các sọc kẻ bắt mắt và đường thêu phức tạp.

Găng tay và tất dệt kim còn là một phần của đời sống và theo tín ngưỡng dân gian của Estonia, là biểu tượng cho sức mạnh của thần linh để bảo vệ người sử dụng khỏi cái ác. Trước đây, các hàng dệt len thủ công thường thấy là găng tay, mũ, tất, khăn choàng… thì nay có thêm nhiều sản phẩm để làm quà kỷ niệm cho khách du lịch như ví, vỏ điện thoại, vỏ máy tính bảng... Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật truyền thống, các nghệ nhân, thợ thủ công cũng khéo léo sáng tạo nhiều sản phẩm mới mang hơi thở của các thiết kế truyền thống.

Bà Mare Pernik, chủ một cửa hàng thủ công ở Kihnu cho biết, chất lượng sợi lông cừu ở Kihnu là số một ở vùng Baltic. Cừu bản địa Estonia là một trong những giống cừu đuôi ngắn Bắc Âu thích nghi tốt với môi trường địa phương. “Chúng có lớp lông “kép”, nghĩa là một lớp lông cứng phủ phía ngoài lớp dưới mềm hơn, nhưng cũng nhờ vậy cừu bản địa cho thu hoạch loại lông có thể làm ra loại sợi mảnh và trơn óng, đến mức người ta có thể luồn toàn bộ một chiếc khăn len tinh xảo qua một chiếc nhẫn. Tuy vậy, để có thể thu mua được nguồn lông chất lượng, các nghệ nhân dệt len phải bắt tay với các trang trại và người chăn cừu địa phương để bảo đảm đầu ra cho họ. Họ cũng thường xuyên trao đổi để hướng dẫn những cách xử lý, sơ chế lông cừu sao cho thu được loại len tốt nhất.

Phụ nữ ở Kihnu làm công việc dệt, đan len hằng ngày. Mùa đông lạnh giá cũng là mùa để họ tập trung quay sợi, dệt vải và làm quần áo cho gia đình. Họ dệt, may, đan và thêu quần áo, đồ vật trang trí. Ngày nay, truyền thống đó vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, sống động. Người phụ nữ trong nhà vẫn tự tay đan váy, áo, khăn… để mặc hằng ngày cũng như trong những dịp đặc biệt như đám cưới hay đi lễ nhà thờ. Trên trang phục của mình, những người thợ dệt có thể sáng tạo thêm vào các hoa văn hay chữ viết Estonia.

Nghề dệt và đan cũng gắn liền với phụ nữ Estonia, mà trong đó lễ cưới được xem là một nghi thức quan trọng đối với họ. Khi một cô gái được ai đó ngỏ lời, cô đan cho người ấy một đôi găng tay hoặc tất. Đó cũng được xem là dấu hiệu cô gái đã chấp thuận lời cầu hôn và là lúc cô chuẩn bị rời nhà đi lấy chồng. Khi về nhà chồng, cô dâu mang theo một chiếc rương bên trong chứa tất cả những sản phẩm mà cô đã đan từ khi còn nhỏ. Những món quà bằng len đó sẽ được tặng cho gia đình chú rể và khách mời cũng như các nhạc công, đầu bếp… trong lúc diễn ra tiệc cưới.

Giới chức địa phương cũng hết sức chú trọng việc giáo dục và phát huy các di sản này cho thế hệ sau. Những hợp tác xã thủ công và nghệ thuật dân gian Estonia thường xuyên tổ chức các khóa học nâng cao tay nghề và chất lượng hàng thủ công mỹ nghệ cho thanh niên, cũng như tuyên truyền việc gìn giữ nghề truyền thống cho cộng đồng dân cư. Ngoài ra, nghề thủ công dệt may của Estonia còn được đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc trong trường học. Tất cả học sinh đều học đan, may và thêu từ tiểu học cho đến các cấp học cao hơn. Nhờ những nỗ lực bảo tồn đó nên đảo Kihnu vẫn duy trì được những hoạt động truyền thống đặc sắc gắn liền với cuộc sống thường ngày cho đến nay.