Bảo tồn nghề batik truyền thống

Với nhiều người dân Indonesia trước đây, vải batik không chỉ là nghệ thuật mà còn là một biểu tượng văn hóa chứa đựng những triết lý sâu sắc về cuộc sống và con người. Tuy nhiên, nghề làm batik truyền thống tại quốc gia này đang dần mai một do sự du nhập của các loại batik được làm từ công nghệ nhuộm mầu, in ấn hiện đại.

Một nghệ nhân Indonesia đang trang trí họa tiết trên vải batik truyền thống. Ảnh: JAKPOST
Một nghệ nhân Indonesia đang trang trí họa tiết trên vải batik truyền thống. Ảnh: JAKPOST

Theo The Jakarta Post, batik là một loại vải truyền thống được làm thủ công với các họa tiết từ sáp ong và mầu nhuộm tự nhiên. Batik truyền thống Indonesia chỉ có hai mầu cơ bản là mầu chàm và mầu vàng nâu được trích xuất từ gỗ cây. Sau khi nhuộm vải, những nghệ nhân sẽ dùng sáp ong nóng chảy vẽ lên vải tạo các họa tiết. Trong đó, đường nét cầu kỳ nhất chỉ rộng 1 mm được vẽ theo những nét phác thảo sẵn trước đó. Dụng cụ để vẽ giống một chiếc bát có vòi, được thiết kế thêm tay cầm ngắn bằng gỗ, gọi là “canting” trong tiếng địa phương.

Trang phục làm từ vải batik đã có tại Indonesia từ hàng trăm năm nay và thường được người dân lựa chọn mặc trong hầu hết hoạt động, lễ hội quan trọng, như lễ mừng em bé chào đời, sinh nhật, cưới hỏi, ngày lễ, tết… Batik còn trở thành một môn học nghệ thuật của học sinh “quốc gia vạn đảo”. Với những nét độc đáo cùng ý nghĩa văn hóa thấm đượm, năm 2009, batik Indonesia được Tổ chức Giáo dục, Khoa học & Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Nhiều năm trước, du khách khi đến Indonesia đều nhất định phải ghé qua thủ phủ batik của nước này là thành phố Pekalongan. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lượng khách đến Pekalongan bắt đầu giảm mạnh khi những loại vải batik truyền thống không còn được ưa chuộng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự xuất hiện của các sản phẩm batik được sản xuất từ công nghệ nhuộm mầu tổng hợp và in họa tiết hiện đại. Ông Eddywan, chủ một cửa hàng batik tại Pekalongan cho biết: “Vải batik được làm thủ công theo những họa tiết cổ, có sẵn từ nhiều đời khó có thể cạnh tranh với loại batik nhiều mầu nhuộm bằng hóa chất với họa tiết đa dạng hơn, với giá thành rẻ hơn nhiều”. Hàng không bán được đã khiến ông Eddywan phải cắt giảm phần lớn nhân viên. Ông chỉ giữ lại một nhóm nhỏ thợ lành nghề để phục vụ đối tượng khách hàng cao cấp hơn. Nhiều cửa hàng batik truyền thống nhỏ, lẻ tại Pekalongan thậm chí còn phải đóng cửa.

Trước nguy cơ nghề làm batik truyền thống bị mai một, chính quyền, nhiều tổ chức, cá nhân Indonesia đã tìm những cách thức, hướng đi nhằm cải thiện tình trạng này. GS Zahir Widadi, Trưởng khoa nghiên cứu batik thuộc Trường đại học Tổng hợp Penkalongan, mới đây đã nghiên cứu ra cách nhuộm mầu tự nhiên giúp vải batik đạt được độ bền cao. “Tôi cho vải vào dung dịch cây chàm trong thùng nhựa, sau đó chuyển sang thùng xi-măng, rồi chuyển vào thùng gốm hoặc sứ, sau đó đặt vào hố sâu từ 2 - 3 m dưới lòng đất để có thể chiết xuất mầu đẹp nhất. Tuy mất công song sau đó vải sẽ không bị bạc mầu dù qua nhiều năm sử dụng, mầu vải cũng bền và đẹp hơn là loại vải batik nhuộm tổng hợp”, ông Widadi cho biết.

Không chỉ vậy, ông cũng thường xuyên nghiên cứu các họa tiết, hoa văn batik cổ để có thể tạo ra các mẫu batik mới với chất liệu truyền thống. GS Widadi đánh giá loại vải batik làm thủ công từ trước đến nay đã có chất lượng tốt, nhưng những cách thức mới sẽ khiến chúng trở nên cao cấp hơn. Cũng theo ông Widadi, ngoài việc nâng cao chất lượng batik truyền thống, việc thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm làm batik thủ công với các nghệ nhân, du khách… là cách thức hiệu quả góp phần bảo tồn di sản này của nhân loại.

Trong khi đó, chính quyền Pekalongan đã tổ chức các hội thảo nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm batik truyền thống địa phương, cũng như biện pháp bảo tồn, duy trì nghề truyền thống này trong các tuần lễ batik quốc tế. Ông Saelany Machfudz, Thị trưởng thành phố Pekalongan cho rằng, việc giúp người dân, du khách nâng cao nhận thức về giá trị mà vải batik truyền thống đem lại, thay vì mẫu mã bên ngoài, sẽ là giải pháp quan trọng để nghề sản xuất batik truyền thống của Indonesia tiếp tục được lưu giữ qua nhiều thế hệ.