Bangalore cải thiện giao thông và môi trường

Chính quyền thành phố Bangalore của Ấn Độ đang áp dụng các giải pháp công nghệ để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Xe điện của hãng Bounce giúp giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Ảnh: THE INDIAN WIRE
Xe điện của hãng Bounce giúp giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Ảnh: THE INDIAN WIRE

Theo AP, mỗi năm những người tham gia giao thông trong giờ cao điểm ở Bangalore lãng phí khoảng 243 giờ do kẹt xe. Đây là một trong những thành phố có tình trạng tắc nghẽn tồi tệ nhất thế giới, với tổng số ô-tô đã tăng vọt từ 1,4 triệu vào năm 2000 lên hơn 8 triệu chiếc vào năm 2019. Ngoài ra, số lượng xe gắn máy cũng không ngừng tăng lên trong những năm gần đây.

Để giải quyết thực trạng trên, các công ty khởi nghiệp đang sử dụng các giải pháp công nghệ bước đầu mang lại hiệu quả. Công ty Bounce, hiện sở hữu hơn 17.000 xe máy tay ga chạy điện tại Bangalore đã mở dịch vụ thuê xe online với giá chỉ 14 rupee (khoảng 5.000 đồng) một giờ. Được sáng lập vào năm 2014, Bounce hiện hoạt động ở trên 30 thành phố khắp Ấn Độ, cho phép khách hàng có thể thuê và trả xe bất cứ đâu trong thành phố. “Mô hình này đã góp phần làm giảm lượng phương tiện tham gia giao thông một cách đáng kể, ngoài ra còn có tác động tích cực tới môi trường”, ông Agni, nhà đồng sáng lập thương hiệu này cho biết.

Trong khi đó, Quick Ride - một công ty cung cấp dịch vụ đi chung xe cũng được thành lập tại Bangalore với mục đích cắt giảm số lượng và mức tiêu thụ nhiên liệu của các phương tiện tham gia gao thông, đồng thời giảm thiểu khí thải CO2. Ước tính, hãng này đã giúp cắt giảm được 90.000 tấn khí CO2 ra kể từ khi thành lập vào năm 2015, tương đương lượng phát thải của 19.000 xe bus chở khách ở Bangalore trong một năm. Hiện nay, Quick Ride đã hoạt động khắp Ấn Độ với 3,5 triệu người dùng, đặc biệt có tới một phần ba trong số đó là ở Bangalore.

Các thành phố Ấn Độ đều đang phát triển nhanh chóng, đồng nghĩa áp lực của các phương tiện lên hệ thống đường bộ là ngày càng lớn, dẫn đến sự gia tăng của khí thải và thời gian đi lại khi tham gia giao thông. Giới chức Ấn Độ hy vọng các giải pháp đang áp dụng ở Bangalore sẽ được nhân rộng ở những thành phố khác ở nước này nhằm giải tỏa áp lực giao thông và ô nhiễm môi trường.