Ăn uống lành mạnh để bảo vệ môi trường

Nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật của con người đang làm trầm trọng thêm vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu con người lựa chọn chế độ ăn thích hợp sẽ ít gây hại cho môi trường và nguồn cung nước.

Chế độ ăn cá vừa khỏe mạnh vừa góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: KERANEWS
Chế độ ăn cá vừa khỏe mạnh vừa góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: KERANEWS

Các nhà nghiên cứu của LHQ đưa ra kết luận dựa trên các kết quả phân tích lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - một trong những tác nhân chính đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu tại 140 quốc gia (95% nước trên thế giới) và việc sử dụng nước sạch qua chín chế độ ăn khác nhau, từ một bữa không thịt/tuần, không thịt đỏ tới chế độ ăn chay pescatarian (không thịt động vật, song có cá và hải sản) và ăn chay hoàn toàn...

Theo đó, chế độ ăn chay hoàn toàn không phải lúc nào cũng là lựa chọn thân thiện nhất với môi trường. Thực tế, nhu cầu nuôi bò lấy sữa làm bơ và phô-mai (thực phẩm chay) đòi hỏi một lượng lớn năng lượng và diện tích đất đai, phát thải khí CO2 làm Trái đất ấm lên. Trong khi đó, các chế độ ăn cá nhỏ, động vật thân mềm có mức độ ảnh hưởng môi trường tương đương chế độ ăn chay thực vật, song lại cung cấp nguồn dinh dưỡng có giá trị cao hơn.

Lâu nay, nhiều nhà hoạt động khí hậu và khoa học kêu gọi người tiêu dùng chuyển đổi sang chế độ ăn chay để kiểm soát các yếu tố tác động tới biến đổi khí hậu và giảm thiểu nạn chặt phá rừng do việc chăn nuôi gia súc lấy thịt đòi hỏi nhiều diện tích đất chăn thả và trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc. Một ủy ban khoa học về khí hậu của LHQ công bố báo cáo cho biết, nông - lâm nghiệp và các hoạt động sử dụng đất đai sản sinh ra tới gần 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2016.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, chương trình cải cách phương pháp sản xuất và tiêu thụ thực phẩm mỗi năm có thể đem lại những cơ hội kinh doanh mới trị giá 4.500 tỷ USD tới năm 2030.