Ấn Độ thúc đẩy chương trình việc làm nông thôn

Là vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ đang hứng chịu những tác động nặng nề trong mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh nhiều người mất việc làm, Chính phủ nước này khuyến khích người dân tham gia “Chương trình việc làm nông thôn” nhằm giúp họ có thu nhập, bảo đảm những nhu cầu sống tối thiểu.

Chương trình MGNREGA giúp nhiều lao động trình độ cao Ấn Độ có việc làm. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Chương trình MGNREGA giúp nhiều lao động trình độ cao Ấn Độ có việc làm. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Ấn Độ hiện ghi nhận gần tám triệu ca nhiễm Covid-19 và số ca nhiễm mới mỗi ngày cũng cao nhất thế giới. Với đà lây lan này, Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Mỹ, trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới vào tháng tới. Ảnh hưởng của đại dịch đã khiến sản lượng kinh tế Ấn Độ suy giảm 24% trong quý II so cùng kỳ năm 2019. 

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia, trong thời gian phong tỏa, Ấn Độ mất hơn 120 triệu việc làm, phần lớn là công việc trong các ngành nghề phi chính thức. Nhiều người trong số các lao động mất việc buộc phải quay lại làm những công việc không đúng chuyên môn, chấp nhận mức lương vô cùng thấp. Những người làm công ăn lương cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Một khảo sát của Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ cho thấy, từ tháng 4 đến tháng 8, 21 triệu người làm công ăn lương bị mất việc. Nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lao động có trình độ cao như kỹ sư, giáo viên và kế toán.

Trước tình hình trên, Chính phủ Ấn Độ đã khuyến khích lao động quay về nông thôn tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp theo một chương trình gọi là MGNREGA, được đặt theo tên “Mohandas Gandhi” - người đã lãnh đạo đất nước giành độc lập. Trước đây, MGNREGA được Chính phủ thành lập nhằm giúp các lao động không cần kỹ năng ở nông thôn chống lại đói nghèo và giảm tính bấp bênh của thu nhập ở các vùng quê. Tuy nhiên, chương trình này còn giúp hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu Ấn Độ bị mất việc làm có thể kiếm được thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.

Earappa Bawge (27 tuổi) sống ở bang Bidar. Gia đình Bawge trước đây thuộc diện nghèo, bố mẹ anh đã phải làm lụng vất vả suốt nhiều năm để Bawge hoàn thành việc học. Chỉ vài tháng trước đây, Bawge là kỹ sư nghiên cứu dự án của một nhà máy cách Bidar hàng trăm km. Công việc đã đưa cả gia đình Bawge thoát cảnh nghèo đói. Dù vậy, đại dịch Covid-19 đã thay đổi tất cả. Bawge thất nghiệp và gia đình anh nhanh chóng tiêu hết số tiền dành dụm. Chương trình MGNREGA đã giúp Bawge có công việc đào mương cho một dự án công, với mức lương là 3,7 USD/ ngày. “Dịch bệnh đã đánh bay mọi khát vọng. Nếu tôi không làm việc, cả nhà sẽ chết đói. Dù lương ít hơn nhiều so trước đây, song gia đình tôi vẫn có cơm ăn”, Bawge chia sẻ.

Theo chính quyền bang Bidar, hơn 11.000 người có trình độ đại học trở lên đã xin việc trong chương trình việc làm nông thôn từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu. Họ làm đủ việc, từ đào mương, nạo vét hồ đến trồng cây. Nhu cầu việc làm tăng đột biến sau khi lệnh phong tỏa hết hiệu lực. “Thật đáng buồn khi chúng tôi không thể cung cấp việc làm phù hợp trình độ của họ. Tuy nhiên, họ đều cảm thấy hài lòng vì ít nhất cũng có công việc tạo ra thu nhập trong khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp”, Gyanendra Kumar Gangwar, cán bộ giám sát chương trình MGNREGA ở Bidar khẳng định.

Trong khi đó, Shankaraiah Karravula, giáo viên trong suốt 14 năm qua tại bang Telangana, mới đây cũng phải chuyển sang chương trình MGNREGA khi trường học đóng cửa hồi tháng 3. Anh Karravula cho biết: “Tôi đã không còn được nhận lương khi các học sinh nghỉ học theo yêu cầu của Chính phủ. Tôi sẵn sàng làm bất kỳ công việc nào để có thu nhập. Chương trình này ít nhất đã giúp đỡ tôi có công việc”. Ngoài Bawge và Karravula, nhiều nhân viên ngân hàng, quản trị kinh doanh, bác sĩ thú y… cũng được ghi nhận tham gia chương trình MGNREGA.

Theo The Washington Post, chương trình việc làm nông thôn đang là giải pháp hữu hiệu cho các lao động mất việc làm, đặc biệt là những người có trình độ cao. Ước tính, hơn 17 triệu người đã nộp đơn tham gia MGNREGA từ tháng 4 đến giữa tháng 9. Gần 60 triệu hộ gia đình đã tham gia trong thời gian này, cao hơn tổng số người tham gia của năm 2019 và cao nhất trong lịch sử kể từ khi chương trình này ra đời.