Ứng cử viên sáng giá cho Nobel Hòa bình

Sau khi các giải thưởng Nobel Y học, Vật lý và Văn học năm 2019 đã có chủ, mọi sự chú ý đang đổ dồn về giải Nobel Hòa bình. Hiện tại, cái tên sáng giá cho hạng mục này là Greta Thunberg (trong ảnh), nhà hoạt động nhỏ tuổi người Thụy Điển vì sự tuyên truyền tích cực của cô về biến đổi khí hậu trên khắp toàn cầu.

Ảnh: GETTY IMAGES
Ảnh: GETTY IMAGES

Ủy ban Nobel tại Oslo (Na Uy) chịu trách nhiệm về giải Nobel Hòa bình sẽ công bố người chiến thắng giải này vào ngày 11-10 tới. Đây là giải thưởng được trao hằng năm cho cá nhân hoặc tổ chức nỗ lực nhiều nhất để thúc đẩy hòa bình thế giới. Năm 2018, bác sĩ người Congo, Denis Mukwege và nhà hoạt động nhân quyền Nadia Murad đã cùng nhau chia sẻ giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực chấm dứt sử dụng bạo lực tình dục.

Năm nay, có tới 301 đề cử cho giải Nobel Hòa bình, gồm 223 cá nhân và 78 tổ chức. Dù danh sách đề cử chính thức vẫn còn được giữ bí mật, song dư luận thế giới vẫn đang phỏng đoán về nhân vật sẽ giành chiến thắng. Theo đó, nhà hoạt động vì môi trường Greta Thunberg (16 tuổi) người Thụy Điển hiện là ứng cử viên sáng giá nhất cho đề cử này. Nếu chiến thắng, Greta sẽ là nhà hoạt động môi trường thứ hai được trao giải, sau Phó Tổng thống Mỹ Al Gore năm 2007 và trở thành người trẻ nhất từng được trao giải Nobel Hòa bình. Danh hiệu này hiện thuộc về Malala Yousafzai, người giành giải Nobel Hòa bình năm 2014 khi 17 tuổi.

The Guardian cho biết, cách đây hơn hai năm, khi mới chỉ 14 tuổi, Greta đã bắt đầu những hoạt động đấu tranh nhằm bảo vệ môi trường. Nhận thấy những nguy cơ nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, mỗi thứ sáu hằng tuần, Greta đã nghỉ học và đơn độc ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển cùng tấm biển có thông điệp “Skolstrejk för Klimatet” (tạm dịch là “Bãi khóa vì khí hậu”). Hành động “Fridays for Future” (tạm dịch là “Những ngày thứ sáu vì tương lai”) này của cô bé khi đó đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của truyền thông.

Tin tức về Greta nhanh chóng lan truyền qua mạng xã hội tại nhiều nước châu Âu. Chỉ vài tuần sau, học sinh và sinh viên ở nhiều nước đã thành lập các tổ chức tương tự ở nhiều thành phố lớn như “Fridays for Future - London”, thậm chí đại diện cho cả nước Anh như “Fridays for Future - England” để lên tiếng kêu gọi giới chức các nước vào cuộc chống biến đổi khí hậu. Dần dần, những hành động và lời kêu gọi mạnh mẽ của Greta có sức lan tỏa rộng khắp đến mức gây được sự chú ý của các chính trị gia ở châu Âu và được mang ra thảo luận ở Quốc hội một số nước. Chưa đầy một năm, dưới sự ảnh hưởng từ Greta, nhiều cuộc tuần hành ước tính thu hút tới khoảng bốn triệu người tham gia, trong đó có nhiều nhà hoạt động môi trường là trẻ em, nhằm lên án các hành động phá hủy hoặc thờ ơ với môi trường đã diễn ra trên khắp thế giới, từ Thái-lan đến Afghanistan, Haiti…

Ngày 23-9 vừa qua, nhà hoạt động 16 tuổi đã thật sự trở thành hiện tượng toàn cầu khi có bài phát biểu gây ấn tượng mạnh trước hàng chục nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của LHQ tại thành phố New York (Mỹ). Trong bài phát biểu, Greta đã lên án giới chức thế giới vì đã không ngăn chặn biến đổi khí hậu, đồng thời cảnh báo “toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự tuyệt chủng hàng loạt”. Đặc biệt, câu nói “Sao các người dám?” của Greta đã truyền đi tiếng nói ngày càng mạnh mẽ của giới trẻ toàn cầu trước những hậu quả mà con người gây ra đối với “hành tinh xanh”.

Bài phát biểu của Greta sau đó cũng gây ra nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng ngoài các phát biểu mang tính cảm xúc, Greta không đưa ra được bất kỳ biện pháp rõ ràng nào để thay đổi tình hình. Dù vậy, nhiều ý kiến ủng hộ nhà hoạt động trẻ tuổi này, bởi việc đòi hỏi một cô bé 16 tuổi phải đưa ra các biện pháp thiết thực là khó khả thi. Điều quan trọng là trong bối cảnh nhiều chính phủ trên thế giới vẫn chưa có những hành động quyết liệt vì môi trương, Greta Thunberg đã truyền được cảm hứng đến nhiều người, đặc biệt là những thanh, thiếu niên - nhân tố định hình tương lai của nhân loại, khiến họ nhận ra được mức độ nghiêm trọng của biến đối khí hậu, từ đó có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, thiên nhiên.