Tỷ phú Mỹ với cuộc chiến thuốc lá điện tử

Tỷ phú Mỹ Michael Bloomberg (trong ảnh) mới đây tuyên bố dành 160 triệu USD cho một chiến dịch chống thuốc lá điện tử, sau khi cơ quan chức năng cảnh báo một số trường hợp tử vong liên quan việc sử dụng loại thuốc lá này. Động thái của ông Bloomberg cũng là đóng góp đáng kể trong bối cảnh giới chức Mỹ đang chú trọng tăng cường nhận thức cho người dân về vấn đề này, đặc biệt là giới trẻ.

Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tỷ phú Bloomberg cho biết về quyết định trên sau thông tin của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) về việc ít nhất năm người tử vong ở Mỹ do liên quan thuốc lá điện tử. Ngoài ra, hơn 450 trường hợp mắc bệnh phổi nghi do sử dụng loại chất gây nghiện mới này. Theo đó, 160 triệu USD từ Quỹ từ thiện Bloomberg sẽ được giải ngân trong ba năm, nhằm mục tiêu cấm thuốc lá điện tử sử dụng tinh dầu tạo hương thơm tại 20 thành phố và một số bang trên toàn nước Mỹ.

Cựu Thị trưởng New York Bloomberg (77 tuổi), là người giàu thứ sáu ở Mỹ và thứ chín trên thế giới, với khối tài sản hơn 62,1 tỷ USD. Ông cũng là người làm từ thiện nổi tiếng. Quyết định trên đến từ nỗi lo ngại về việc bùng nổ quảng cáo thuốc lá điện tử những năm vừa qua. Các hãng sản xuất loại thuốc lá này thường tập trung quảng cáo về cách tạo mùi hương cho dung dịch thuốc bằng vị bạc hà, vị hoa quả… Các mùi vị trở thành “lớp ngụy trang” khiến người sử dụng quên đi rằng mình đang hút thuốc và đặc biệt cuốn hút với thanh, thiếu niên.

Nhóm đối tượng trẻ tuổi do phát triển đầy đủ về mặt nhận thức để hiểu được tác hại khi hút thuốc lá điện tử, thường dễ bị sa ngã và cuốn theo các lời quảng cáo. Bởi vậy, ông Bloomberg cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho chiến dịch “Tobaco-free Kids” (tạm dịch là “Trẻ em không thuốc lá”) để từng bước đẩy lùi và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng này.

Theo The New York Times, tỷ phú Bloomberg đã gọi sự phát triển tràn lan của các loại thuốc lá điện tử những năm gần đây là “cuộc khủng hoảng sức khỏe” mà trách nhiệm chính là do các công ty sản xuất thuốc lá. Ông cho rằng, các công ty này đang nhằm mục tiêu vào trẻ em và gây ra nguy hiểm khi quảng cáo rằng hút thuốc lá điện tử ít gây hại so hút thuốc lá thông thường, đồng thời kêu gọi Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) phải có hành động kiểm duyệt chặt chẽ hơn để chấm dứt tình trạng quảng cáo cả ở các cửa hàng và trên internet nhằm vào đối tượng trẻ vị thành niên.

Hàng loạt nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá điện tử cũng gây hại cho phổi không kém gì thuốc lá thông thường. Thế nhưng, việc quảng cáo các hóa chất tạo mùi vị khiến việc hút thuốc lá điện tử ở Mỹ trở nên hấp dẫn như… “ăn kẹo”. Theo CDC, tình trạng trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng vọt tại Mỹ trong những năm gần đây. Năm 2018, có khoảng 3,6 triệu học sinh trung học đã sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, tăng 1,5 triệu người so năm 2017.

Nhà sáng lập chiến dịch “Trẻ em không thuốc lá”, ông Matthew Myers cho rằng cuộc chiến chống thuốc lá điện tử đang vấp phải những khó khăn tương tự cuộc chiến chống thuốc lá thông thường hơn 10 năm trước, do sự thao túng của các tập đoàn lớn. Nhờ tiềm lực tài chính mạnh, các “đại gia” thuốc lá có thể bỏ tiền để vận động hành lang chống lại các dự luật cấm hút thuốc. Bởi vậy, sự hỗ trợ từ quỹ Bloomberg có thể giúp cán cân này bớt chênh lệch. “Chúng tôi có thể ngăn chặn kịch bản của các tập đoàn thuốc lá nhờ những kinh nghiệm trước đây của ông Bloomberg”, ông Myers chia sẻ.

Tỷ phú Bloomberg cũng được biết đến khi tham gia hàng loạt chiến dịch chống thuốc lá trên khắp thế giới. Từ khi còn là Thị trưởng thành phố New York đầu những năm 2000, ông đã ban hành lệnh cấm hút thuốc lá tại các nhà hàng và quán bar ở thành phố này. Ước tính, Bloomberg đã tài trợ hơn một tỷ USD từ năm 2007 cho các chiến dịch truyền thông vận động cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và hạn chế việc hút thuốc lá trên toàn cầu. Theo ông, nếu giới chức Mỹ và các quốc gia không có hành động ngay bây giờ, những nỗ lực xóa bỏ thuốc lá trước đây sẽ sớm bị xói mòn vì sự xâm chiếm của thuốc lá điện tử.