Tranh cãi về bỏ bản quyền vaccine Covid-19

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây ủng hộ việc tạm thời từ bỏ bản quyền vaccine ngừa Covid-19 nhằm giúp các nước đang phát triển có thể tự sản xuất loại vaccine này, giúp đẩy nhanh quá trình chấm dứt đại dịch. Tuyên bố trên đang làm nổ ra các cuộc tranh cãi giữa chính quyền nhiều quốc gia cũng như các hãng dược lớn trên thế giới.

Từ bỏ bản quyền vaccine có thể giúp nhiều nước đang phát triển tiếp cận vaccine Covid-19. Ảnh: XINHUA
Từ bỏ bản quyền vaccine có thể giúp nhiều nước đang phát triển tiếp cận vaccine Covid-19. Ảnh: XINHUA

Trong một cuộc họp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gần đây, Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai đã lên tiếng ủng hộ việc tạm thời từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19, mở đường cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển tham gia sản xuất loại vaccine này. Bà Tai cho biết: “Mỹ rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, chúng tôi ủng hộ việc tạm thời từ bỏ bản quyền đối với vaccine Covid-19”.

Theo Euronews, bản quyền vaccine là một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp dược phẩm, nhằm bảo vệ quyền trí tuệ của các nhà nghiên cứu, các hãng dược. Song theo bà Tai, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, khi dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, thế giới cần chung tay tìm một giải pháp mới. “Đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Cần có những giải pháp đặc biệt trong bối cảnh bất thường. Chỉ có tạm từ bỏ các biện pháp bảo vệ bản quyền sản xuất vaccine mới chấm dứt được Covid-19”, bà Tai nhấn mạnh.

Đây không phải lần đầu việc từ bỏ bản quyền vaccine Covid-19 được nhắc đến. Nam Phi và Ấn Độ cũng từng đề xuất việc này với WTO. Do đó, ngay khi Mỹ bày tỏ quan điểm của mình, hai quốc gia này đã nhiệt liệt ủng hộ. Theo lãnh đạo hai quốc gia trên, việc chia sẻ công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 trên toàn cầu. 

Hơn 100 quốc gia cũng đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) can thiệp để buộc các quốc gia phát triển và hãng dược phẩm từ bỏ bản quyền vaccine Covid-19, chia sẻ công nghệ để các nước khác có thể sản xuất loại vaccine này. Theo lãnh đạo nhiều quốc gia, các nước phát triển đang kiểm soát hầu hết lượng vaccine Covid-19 được sản xuất trên thế giới, dẫn đến tình trạng dư thừa vaccine tại các nước này. Trong khi đó, nhiều quốc gia nghèo trên thế giới chỉ nhận được “nhỏ giọt”.

Trên thực tế, theo thống kê của AFP, trong gần 1,25 tỷ liều vaccine Covid-19 được sử dụng tại ít nhất 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có tới khoảng 45% đã được dùng tại các nước phát triển, chiếm 16% dân số toàn cầu. Ngược lại, chỉ 0,3% số liều vaccine đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới.

Phản ứng trước quan điểm của Mỹ về phá thế bảo hộ vaccine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: “Tôi ủng hộ việc tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19”. Dù vậy, ông Macron cho rằng đây không phải giải pháp tối ưu, bởi ngay cả khi quyền sở hữu trí tuệ cho vaccine Covid-19 được bãi bỏ, thì các nước nghèo tại khu vực châu Phi cũng không đủ cơ sở vật chất để có thể tự sản xuất vaccine. Do đó, ông Macron đề xuất những nước sản xuất được vaccine Covid-19 nên tặng lại số lượng nhất định cho các quốc gia nghèo.

Trong khi đó, Đức lại phản đối ý tưởng của Mỹ. Theo Thủ tướng Angela Merkel, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là “nguồn gốc của sự đổi mới” và không được phép xâm phạm tới quyền này. Người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Đức cũng cho rằng, việc từ bỏ bản quyền vaccine không phải giải pháp cho giai đoạn hiện nay, thay vào đó, Đức đang tập trung vào việc tăng năng lực sản xuất của hãng dược. Đồng quan điểm với Đức, đại diện hầu hết các hãng dược lớn như Moderna, Pfizer… đều bác bỏ yêu cầu của Mỹ vì lo ngại lợi nhuận sẽ bị giảm sút, thiếu động lực sản xuất vaccine.

Trong khi các cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn, giới phân tích cho rằng, tuyên bố của Mỹ là một quan điểm mang tính bước ngoặt đối với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, việc tạm thời từ bỏ bản quyền vaccine Covid-19 sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, khi WTO cần phải có được sự đồng thuận của tất cả 164 quốc gia thành viên.