Tội phạm diệt chủng của Rwanda sa lưới

Sau gần 26 năm lẩn trốn, Félicien Kabuga, đối tượng bị truy nã quốc tế vì tài trợ cho cuộc diệt chủng năm 1994 tại Rwanda, đã bị bắt ngày 16-5 vừa qua tại ngoại ô Thủ đô Paris (Pháp). Văn phòng công tố viên của tòa án quốc tế La Haye (Hà Lan) cho biết, Kabuga sẽ sớm phải hầu tòa và chịu những hình phạt thích đáng vì những tội ác gây ra cho dân tộc mình.

Người dân Rwanda theo dõi vụ bắt giữ Kabuga trên phương tiện truyền thông. Ảnh: REUTERS
Người dân Rwanda theo dõi vụ bắt giữ Kabuga trên phương tiện truyền thông. Ảnh: REUTERS

Tờ The Washington Post (Mỹ) đưa tin, đối tượng Félicien Kabuga (84 tuổi) đã sống lưu vong bằng một danh tính giả ở khu Asnières-sur-Seine, phía bắc Thủ đô Paris và y thậm chí còn cắt đứt mọi liên hệ với cả những người trong gia đình. Mặc dù vậy, sau nhiều hoạt động phối hợp giữa các tổ chức an ninh và sự dày công tìm kiếm qua nhiều địa điểm trong thời gian dài, cuối cùng cảnh sát Pháp đã tóm được y. Kabuga sẽ được xét xử tại Tòa án Công lý quốc tế La Haye chứ không bị dẫn độ về Rwanda như những tội phạm diệt chủng khác.

Công tố viên trưởng Serge Brammertz của Tòa án La Haye tuyên bố: “Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Pháp và các cơ quan thực thi pháp luật của nước này. Việc bắt giữ này không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác của họ”. Ngoài ra, ông Serge Brammertz cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của hai cơ quan an ninh quốc tế là Cảnh sát châu Âu (Europol) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), cùng chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật của Rwanda, Bỉ, Anh, Đức, Hà Lan, Áo, Luxembourg, Thụy Sĩ, Mỹ…

Năm 1994, Kabuga là một trong những nhà tài phiệt giàu nhất Rwanda và đồng sở hữu Đài Truyền hình Milles Collines của nước này. Đây là công cụ tuyên truyền sự hằn thù sắc tộc giữa người Hutu chiếm đa số đối với tộc người thiểu số Tutsi tại Rwanda. Y cũng tài trợ cho lực lượng dân quân Interahamwe, một nhóm bán quân sự của người Hutu. Theo báo cáo của Tòa án Hình sự quốc tế Rwanda, lực lượng này sử dụng hàng trăm nghìn dao rựa, cuốc và các dụng cụ canh tác khác để sát hại người vô tội. Cụ thể, hơn 800.000 người đã thiệt mạng trong vòng ba tháng diễn ra vụ diệt chủng tại Rwanda. Hầu hết các nạn nhân là người Tutsi. Cuộc tàn sát chỉ kết thúc sau chiến thắng của quân đội người Tutsi dưới sự lãnh đạo của cựu Tổng thống Paul Kagame và sự ủng hộ của Chính phủ Uganda.

Trước khi dừng hoạt động vào năm 2015, Tòa án Hình sự quốc tế Rwanda đã xử lý một số vụ án khiến nhiều tội phạm diệt chủng phải hầu tòa. Từ năm 2005 đến 2012, tội phạm diệt chủng bị xét xử công khai tại các tòa án “gacaca” (còn gọi là “tòa án ngoài trời”), nơi các nạn nhân có thể làm chứng tố cáo thủ phạm giết gia đình họ. Hai phần ba trong số những kẻ tham gia tội ác diệt chủng đã phải nhận hình phạt thích đáng sau các phiên tòa công khai đó.

Tuy nhiên, Kabuga vẫn may mắn trốn thoát. Y là một trong những thành viên cộm cán, cấp cao tham gia vụ diệt chủng bị chính quyền Rwanda và Tòa án La Haye truy nã. Trước đó, vào năm 1997, Kabuga bị truy tố với bảy tội danh đều liên quan tội ác diệt chủng năm 1994, như đồng lõa với hoạt động diệt chủng; kích động trực tiếp và công khai nhằm thực hiện tội ác diệt chủng; bắt bớ và giết hại người vô tội... Chính quyền Mỹ từng treo thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin về nơi lẩn trốn của Kabuga. Theo thông tin từ Tòa án La Haye, Kabuga đã từng lẩn trốn ở Đức, Thụy Sĩ, Bỉ và Congo.

Việc quân đội của cựu Tổng thống Kagame truy đuổi những kẻ gây tội ác diệt chủng như Kabuga đã dẫn tới cuộc xung đột khu vực, kéo dài hơn một thập kỷ và hậu quả khiến hàng triệu người thiệt mạng. Tới nay, các nhóm vũ trang còn sót lại của lực lượng dân quân Interahamwe vẫn hoạt động ở miền đông Congo và thường xuyên thực hiện các cuộc tiến công vào thường dân.

“Vụ bắt giữ Félicien Kabuga ngày 16-5 là một lời cảnh báo mạnh mẽ tới những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác diệt chủng tại Rwanda. Dù 26 năm đã trôi qua nhưng các đối tượng này vẫn sẽ phải đứng trước tòa án công lý vì những tội ác đã gây ra trong quá khứ. Xử phạt thích đáng là điều cần thiết để duy trì hòa bình, an ninh và công lý”, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho biết.