Thách thức với tân Tổng thống Ecuador

Ngày 12-4 vừa qua, ông Guillermo Lasso (trong ảnh), đại diện của phong trào chính trị trung hữu mang tên “Kiến tạo cơ hội” (CREO) đã giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử Tổng thống Ecuador mới đây. Sau khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử Lasso sẽ phải đối mặt nhiều thách thức để vực dậy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.

Ảnh: LOS ANGELES TIMES
Ảnh: LOS ANGELES TIMES

Theo thông báo kiểm phiếu chính thức của Hội đồng Bầu cử quốc gia Ecuador, ông Lasso, 66 tuổi, đã giành được hơn 52% số phiếu ủng hộ. Kết quả này giúp cựu Giám đốc Ngân hàng thành phố Guayaquil vượt qua ứng cử viên “nặng ký” Andres Arauz (36 tuổi), chính trị gia đại diện liên minh cánh tả - lực lượng chính trị lớn nhất trong Quốc hội Ecuador, với 47,32% số phiếu bầu. Trong bài phát biểu trước đông đảo cử tri, ông Lasso khẳng định: “Chúng tôi sẽ nhận lấy trách nhiệm thay đổi vận mệnh đất nước. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc không mệt mỏi”. 

Nền kinh tế Ecuador phụ thuộc chủ yếu xuất khẩu dầu mỏ, vốn đã gặp khó khăn do giá dầu giảm trước đó, nay lại tiếp tục gánh chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Sau khi chỉ tăng 0,1% năm 2019, GDP của Ecuador đã giảm 7,8% vào năm 2020. Các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của cựu Tổng thống Lenin Moreno, cũng như thỏa thuận hỗ trợ Ecuador trị giá 6,5 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã không đem lại kết quả. Khó khăn kinh tế đã đẩy một phần ba dân số lâm vào cảnh nghèo đói và khiến khoảng 500.000 người thất nghiệp. Ngoài khó khăn kinh tế, người dân Ecuador cũng đang phải hứng chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, khi số ca lây nhiễm tại nước này hiện tăng lên gần 350.000 trường hợp, trong đó hơn 17.000 ca tử vong.

Ông Sebastian Hurtado, Chủ tịch của PRÓFITAS - Công ty tư vấn rủi ro chính trị tại Thủ đô Quito (Ecuador) nhận định, sau khi nhậm chức ngày 24-5 sắp tới, Tổng thống Guillermo Lasso có nhiệm vụ “hồi sinh” nền kinh tế trong đại dịch. Để thực hiện mục tiêu này, ông Lasso cần tập hợp sự ủng hộ từ nhiều đảng phái lớn, như liên minh cánh tả của ông Arauz và đặc biệt là “Phong trào thống nhất Pachakutik” của nhiều tổ chức dân tộc bản địa. Mặc dù đại diện đảng này là ứng cử viên Yaku Pérez đã thất bại trong cuộc bầu cử với vị trí thứ ba, song phong trào này vẫn đang là lực lượng chính trị lớn thứ hai tại Quốc hội Ecuador. 

Chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Lasso tập trung vào việc thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng đầu tư vào lĩnh vực mới, đồng thời cam kết cải cách hệ thống quản lý lương hưu và doanh nghiệp nhà nước, tìm cách đa dạng hóa xuất khẩu. Năm 2019, dầu mỏ chiếm hơn một phần ba thu nhập từ xuất khẩu của Ecuador. Bởi vậy, khuyến khích đầu tư và tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực là điều cần thiết để tạo việc làm cũng như nguồn thu ngân sách từ thuế. 

Ngoài vấn đề kinh tế, với mong muốn tranh thủ sự ủng hộ của cử tri người bản địa và Phong trào Pachakutik trong Quốc hội, ông Lasso cam kết sẽ ban hành các biện pháp bảo vệ môi trường chặt chẽ, đồng thời thúc đẩy tiếng nói và quyền lợi nhiều hơn cho các cộng đồng thổ dân bản địa trong hoạt động khai thác tài nguyên trên đất đai của họ. Chính phủ mới cũng sẽ cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm cho họ. 

Với những chính sách trên, chiến thắng của ông Lasso đã nhận được kỳ vọng từ các cử tri thuộc nhiều đảng phái và tầng lớp khác nhau. AP dẫn lời ông Juan Pablo Hidalgo, một nhà hoạt động xã hội và cử tri của Phong trào Pachakutik ở TP Guayaquil, cho biết: “Tôi hy vọng Tổng thống đắc cử giữ cam kết tạo thêm việc làm, bởi hiện tại cứ 10 người Ecuador thì có bảy người thất nghiệp. Đây là thời điểm mà tất cả chúng ta nên đoàn kết để cùng phát triển”. Mong mỏi của ông Hidalgo cũng là của phần lớn cử tri Ecuador, hy vọng Tổng thống đắc cử Lasso sẽ lãnh đạo đất nước đi đúng hướng và sử dụng nguồn lực quốc gia hợp lý để đưa Ecuador vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch.