Sứ mệnh khó khăn

Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ tại Libya, ông Jan Kubis, đã tới Lybia và gặp Chỉ huy quân sự ở miền đông, Tướng Khalifa Haftar để thúc đẩy nỗ lực đoàn kết các phe phái đối địch trước cuộc bầu cử vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, ông Kubis sẽ phải đối mặt với sứ mệnh hàn gắn những rạn nứt nghiêm trọng tại quốc gia Bắc Phi.

Đặc phái viên Jan Kubis tại cuộc gặp với Tướng Khalifa Haftar. Ảnh: AAWSAT
Đặc phái viên Jan Kubis tại cuộc gặp với Tướng Khalifa Haftar. Ảnh: AAWSAT

AP dẫn thông báo của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Lybia cho biết, cuộc gặp diễn ra ở thành phố phía đông Benghazi. Trong cuộc gặp, hai bên đã thảo luận và nhất trí về tầm quan trọng của việc tất cả phe phái ở Libya cần phải cam kết và tạo điều kiện cho cuộc bầu cử ngày 24-12 tới. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về cách thức thực thi thỏa thuận ngừng bắn đã ký hồi năm ngoái, cũng như việc rút tất cả lực lượng và lính đánh thuê người nước ngoài. Việc mở một tuyến đường ven biển huyết mạch chạy dọc theo Địa Trung Hải, nối Thủ đô Tripoli với thành phố Benghazi, cũng nằm trong nội dung được thảo luận.

Đây là lần đầu ông Kubis đến Lybia. Chuyến thăm diễn ra không lâu sau khi đại diện các phe phái ở Lybia tham gia cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ ở Thụy Sĩ và bầu ra chính phủ chuyển tiếp với một thủ tướng và Hội đồng tổng thống gồm ba thành viên để dẫn dắt đất nước từ nay đến khi tổ chức tổng tuyển cử vào cuối năm. Ông Mohammad Younes Menfi được bầu làm người đứng đầu Hội đồng tổng thống và ông Abdul Hamid Mohammed Dbeibah được bầu làm thủ tướng. Hội đồng tổng thống có nhiệm vụ gắn kết các cơ quan nhà nước và bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử tại Libya. Người dân Libya hy vọng, cuộc bầu cử sẽ là bước tiến quan trọng mang lại thống nhất cho quốc gia Bắc Phi này sau nhiều năm xung đột bắt nguồn từ làn sóng Mùa xuân Arab diễn ra năm 2010. 

Sau khi rơi vào cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, tại Libya hình thành hai lực lượng chính gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ và LHQ công nhận, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar được sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga. Ngày 23-10-2020, tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện của GNA và LNA đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian bảo trợ của LHQ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến nay, xung đột vũ trang tại Libya đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và bị thương, khoảng 400.000 người bị mất nhà cửa. 

Trong bối cảnh đó, chuyến công du của Đặc phái viên Jan Kubis được xem là chất xúc tác công cuộc kiến tạo hòa bình cho Libya. Tuy nhiên, mặc dù những tín hiệu hòa giải đã liên tiếp xuất hiện, song dư luận luôn lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc nội chiến mới cũng như thảm họa nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này, khi xuất hiện sự can dự trực tiếp và công khai của các quốc gia bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân đến Libya hỗ trợ GNA, cụ thể là triển khai máy bay vận tải hạng nặng C-130 Hercules mang theo vũ khí, trang thiết bị quân sự và các đơn vị quân đội tới Tripoli, Misrata và căn cứ sân bay al-Watiya của Libya. Trong khi đó, các nước ủng hộ Tướng Haftar cũng đã có những động thái đã hỗ trợ quân sự cho LNA. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi từng tuyên bố sẽ dùng vũ lực để chống lại các lực lượng tại Libya được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nhằm bảo đảm an ninh quốc gia từ bên ngoài đất nước.

Theo nhận định của giới quan sát, xung đột ở Libya không còn dừng ở quy mô trong nước mà đã trở thành “cuộc chiến ủy nhiệm” và nguy cơ đối đầu giữa các nước ủng hộ hai phe phái ở quốc gia Tây Phi này đã được cảnh báo. Thậm chí, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã khẳng định rằng, nội chiến Libya đã bước sang giai đoạn mới với sự can thiệp từ nước ngoài cùng mức độ và quy mô chưa từng có, có thể ảnh hưởng tới sinh mạng của hàng nghìn dân thường và đẩy Libya vào một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.

Vì thế, chuyến công du thúc đẩy hòa bình của ông Jan Kubis dù diễn ra đúng thời điểm song được dự báo vấp phải không ít khó khăn và thách thức, nhất là khi các bên tham chiến cũng như các quốc gia ủng hộ vẫn đang có những toan tính cho riêng mình.